(Thethaovanhoa.vn) - Cán bộ đã hành xử ra sao trong lũ lụt? Đó là câu hỏi mà tất yếu, người ta luôn đặt ra ở mỗi địa phương, khi nước tạm rút và mưa tạm dừng.
- Cuộc sống vất vả của người dân các nơi đang vật lộn trong mưa lũ
- Hòa Bình: 41 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ, sạt lở đất
- Cập nhật thiệt hại mưa lũ: 38 người bị chết, 42 người bị mất tích, 22 người bị thương
Câu hỏi ấy không khó hiểu. Bởi, với địa hình và địa lý Việt Nam, từ cả ngàn năm nay, câu chuyện về lũ lụt luôn là nỗi ám ảnh với mỗi cư dân. Để rồi, khi đối mặt thiên tai, người ta luôn có cơ hội chiêm nghiệm về tình người, về thái độ của những bậc "dân chi phụ mẫu".
Và, ở đợt mưa lũ bất ngờ tại miền Bắc vừa qua, câu chuyện "đi bè" của các lãnh đạo phường Đông Thọ (thành phố Thanh Hóa) đang trở thành chủ đề đàm tiếu của rất nhiều người.
Câu chuyện bắt đầu từ bức ảnh được lan truyền trên không gian mạng. Trong ảnh, Bí thư và Phó chủ tịch phường Đông Thọ (cùng là nữ) đều mặc váy, che ô và đứng trên một chiếc bè tự chế để người khác kéo đi giữa cảnh mưa ngập. Đáng nói, mực nước, mà người xung quanh đang lội xuống để kéo bè, cũng chỉ ngang bắp chân.
Tất nhiên, nhân vật chính, nhất là nữ bí thư của phường Đông Thọ, ra sức thanh minh. Rằng, chị mặc váy để đi chúc mừng doanh nghiệp chứ không phải đi khảo sát tình hình lũ lụt. Rằng, chị chỉ... thử lên bè xem nước ngập tới đâu rồi lại bước xuống. Mặc kệ, người ta vẫn ra sức bỉ bôi.
Thậm chí, theo lời kể, vị nữ lãnh đạo ấy trong quá trình chỉ đạo chống ngập sau đó tích cực nhập cuộc tới mức phải thay 3 bộ đồ ướt và tới 2 giờ chiều mới có dịp nhai bánh mì. Nhưng, những lời chia sẻ ấy xem ra cũng không ăn thua.
Thẳng thắn nếu những chia sẻ là thật, thì những nhân vật ngồi trên bè đã gặp vận rủi. Bởi, dù vô tình, cảnh "ngồi bè" ấy khiến người ta bất bình và không muốn quan tâm tới những gì họ làm sau đó.
"Dân" lội nước để kéo "quan" giữa trời mưa – hình ảnh ấy rất gần với những truyện cười dân gian từ xa xưa. Và lại càng là nguyên cớ để người ta nhắc lại những câu chuyện về trách nhiệm của "quan" trong lũ lụt – mà thẳng thắn là trong vài năm qua đã có nhiều "gương xấu".
***
Nhưng, nếu mặc định khái niệm "quan" là những người có trách nhiệm trong bộ máy đang vận hành, chúng ta cũng nên nhìn rộng ra hơn về họ, trong những cơn mưa lũ.
Cũng ở Thanh Hóa, tối 10/10, hai lãnh đạo của đồn biên phòng Yên Khương (huyện Lang Chánh) đã bị lũ cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ phòng chống mưa lũ theo chỉ đạo của cơ quan và chính quyền huyện. Họ là đại úy Nguyễn Thành Chủng và thượng tá, chính trị viên Cao Đăng Cường. Mãi tới chiều qua 16/10, thi thể của một trong hai cán bộ ấy mới được tìm ra.
Rồi, sáng 12/10, vài tiếng sau vụ sạt lở vì lũ ở Hòa Bình, thi thể anh Đinh Công Sinh, trưởng xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, mới được lực lượng tìm kiếm cứu nạn đưa ra ngoài. Anh Sinh không sống trong 5 căn nhà bị đất đá chôn vùi. Nhưng, ngay trước thời khắc xảy ra vụ sạt lở khủng khiếp, thấy mặt đất rung chuyển, người trưởng xóm tận tụy ấy đã chạy từ nhà mình tới chân thác để gọi những người hàng xóm dậy – để rồi bị đất đá chôn vùi trong tích tắc.
Xa hơn, vào 17/7, đoàn công tác của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An được yêu cầu tiến hành kiểm tra, khắc phục tình hình sạt lở trên quốc lộ qua huyện Quế Phong. Trong chuyến đi ấy, anh Thái Huy Hào, vốn là Phó trưởng ban Quản lý vốn sự nghiệp thuộc sở Giao thông Vận tải Nghệ An, tử nạn khi xe lăn xuống vực vì sạt lở....
***
Nếu liệt kê thêm, bản danh sách ấy sẽ còn dài nữa. Và xứng đáng để chúng ta quan tâm và dành tình cảm hơn nhiều - so với những tranh cãi, bắt bẻ quanh câu chuyện "đi bè".
Bởi thế, vượt qua những xúc cảm nhất thời, hãy để câu chuyện về cách hành xử của cán bộ trong lũ lụt được nhìn nhận một cách công bằng hơn, thay cho việc chỉ khoác lên nó những gam màu xám.
Anh Bảo
Tags