(Thethaovanhoa.vn) - Đốt vàng mã theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy là tập tục đã gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh người dân Việt Nam nhiều đời nay. Tuy nhiên, việc hạn chế đốt vàng mã theo bà cũng là cần thiết và đã được chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần ý kiến.
- Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 4 & hết): Giữa 2 bờ 'giữ - bỏ'
- VIDEO: Singapore ứng xử với tục đốt vàng mã như thế nào?
Nói điều này trong buổi họp báo Chính phủ tối 1/3, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, việc tuyên truyền, thuyết phục để cộng đồng nhận thức đầy đủ về tập tục và hạn chế đốt vàng mã đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thời gian qua.
“Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến và hoàn toàn ủng hộ quan điểm hạn chế đốt vàng mã,” Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng thừa nhận, qua theo dõi những năm gần đây, cơ quan này đã thấy tại nhiều di tích, người dân đốt quá nhiều vàng mã và phía bộ đã phải giao cơ quan chuyên môn đề xuất giải pháp cụ thể. Bà lấy ví dụ về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), bộ đã có chỉ đạo hạn chế đốt vàng mã tại đây. Sau đó, cùng với sự phối hợp của địa phương, tình hình tại đây đã chuyển biến tích cực.
Qua đó, Thứ trưởng nhấn mạnh lại lần nữa, quan điểm của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch “hoàn toàn ủng hộ quan điểm hạn chế đốt vàng mã”.
Trước đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.
Đặc biệt, công văn có đoạn: Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam./.
Vietnamplus/TTXVN
Tags