Bức xúc vì giáo viên thành... 'tiếp viên đặc biệt'

Thứ Bảy, 12/11/2016 16:02 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện biến giáo viên thành “tiếp viên” tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang nóng lên từng giờ, trước sự bất bình của độc giả và các chuyên gia giáo dục.

Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, địa phương này liên tiếp tổ chức nhiều sự kiện, trong đó có Hội nghị xúc tiến đầu tư và Liên hoan dân ca Ví dặm. Và, hàng chục nữ giáo viên tại thị xã này đã được lãnh đạo địa phương huy động đích danh bằng văn bản để làm nhiệm vụ… tiếp khách.

Và, như lời một số người trong cuộc, từ cương vị giáo viên, họ phải trở thành những nhân viên lễ tân bất đắc dĩ  trong các sự kiện ấy. Thậm chí, có thông tin cho biết: sau sự kiện, các giáo viên ấy lại bị điều động để cùng quan khách đi ăn, mời rượu và hát hò.

Nghĩa là, nếu thông tin ấy có thực, vai trò của những nữ giáo viên này cũng không khác gì các tiếp viên nhà hàng mà chúng ta vẫn nhắc tới hiện nay.

***

Nếu suy nghĩ khách quan, chúng ta sẽ thấy rõ: việc huy động các giáo viên làm “lễ tân” với lý do thiếu người (như một số báo nhắc tới) là không thuyết phục. Bởi, việc bỏ tiền thuê những lễ tân “chuyên nghiệp” nếu có, chắc chắn sẽ chỉ chiếm một số lượng rất ít so với kinh phí tổ chức những sự kiện có hàng chục, hàng trăm quan khách như thế này.


Với đặc thù của mình, nghề giáo viên luôn cần được xã hội đối xử bằng sự tôn trọng. Ảnh minh họa

Trái lại, cách huy động những giáo viên ăn lương Nhà nước ấy chỉ cho thấy màu sắc khô cứng và máy móc của tư duy cũ. Nó làm chúng ta nghĩ tới những cách tổ chức sự kiện của quá khứ, khi mọi đoàn thể nam phụ lão ấu, cán bộ công chức… đều được yêu cầu có mặt trong những dịp mít tinh, hoặc kỷ niệm hội hè.

Sự liên tưởng ấy càng đúng, khi qua báo chí, lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) trả lời đại ý rằng sự huy động này là nét lịch sự, là vinh dự và ý thức chính trị của các công chức tham gia.

Điều vô lý ở câu trả lời ấy nằm trong một sự khác biệt cơ bản: những nữ giáo viên được huy động tham gia các sự kiện này trong vai trò “lễ tân”, thay vì như những đại biểu của môi trường sư phạm. Và, họ lại được điều động đích danh bằng văn bản, thay vì những gợi ý mang tính chất kêu gọi sự nguyện.

Để có sự tham gia ấy, không chỉ các giáo viên phải ngừng công việc chuyên môn mà những học sinh tại thị xã Hồng Lĩnh cũng bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình – khi lãnh đạo ngành giáo dục địa phương thừa nhận việc phải huy động giáo viên từ các nguồn khác để thay thế các “lễ tân”bất đắc dĩ này.

***

Riêng việc yêu cầu giáo viên làm “tiếp viên” karaoke sau sự kiện, lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh đến giờ phút này vẫn đang cực lực bác bỏ. Và thật lòng, người viết cũng không nghĩ rằng lãnh đạo một địa phương nào đủ sức ra những yêu cầu… quái gở như vậy.

Nhưng không yêu cầu, không có nghĩa là câu chuyện ấy không xảy ra - khi mà ngay từ đầu, họ đã bị ép buộc phải tham gia vào sự kiện một cách ngoài ý muốn.

Có thể, việc những nữ giáo viên ấy cùng quan khách đi hát karaoke đến từ sự cố gắng của bản thân họ, với suy nghĩ rằng đó cũng là một khâu “bất thành văn” khi phải tham gia sự kiện này.

Và, có thể, có cả những trường hợp, các nữ giáo viên cùng quan khách liên hoan, ăn uống và hát hò với tâm lý thoải mái, coi rằng đó là một cuộc vui hợp lý sau công việc.

Nhưng, khi gắn cùng văn bản huy động tham gia sự kiện của địa phương, chuyện tưởng như rất bình thường ấy bỗng mang lại một màu sắc vô cùng tiêu cực và nặng nề.

Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, những người trong cuộc sẽ tự giải thích ra sao, trước những lời bình luận đầy ác tâm rằng lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh vừa qua đã  gắng “đổi gió” cho quan khách bằng những "tiếp viên đặc biệt" theo cách ấy?

Anh Bảo

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›