(Thethaovanhoa.vn) - Lâu nay, giới cầm bút và những người làm sách vẫn than phiền về văn hóa đọc đang thời sa sút. Bằng chứng là mỗi đầu sách được ít với số lượng khá ít, trung bình khoảng 1.000 cuốn/tựa sách.
Có thể nói, TP.HCM là nơi đi đầu trong thị trường xuất bản và phát hành sách. Ngoài những đơn vị xuất bản của thành phố này, những đơn vị làm sách của các tỉnh thành khác cũng muốn hiện diện và có thị phần tại TP.HCM.
Người dân tìm sách đọc trong ngày khai trường Đường sách TP.HCM
Nơi đây cũng là nơi đầu tiên có hẳn một con đường dành cho sách ở ngay khu trung tâm thành phố. Thế nhưng, sự hiện diện của các thương hiệu sách tại con đường này là một chuyện, còn sách bán được hay không lại là câu chuyện khác.
Dạo vài vòng Đường sách TP.HCM, sẽ thấy không khí tấp nập, vui tươi. Ở đó, các đôi uyên ương rủ nhau chụp hình cưới, các bạn trẻ tha hồ chụp hình “tự sướng” trên phong nền là bạt ngàn sách. Rồi, phần đông vào hai quán cà phê nơi đây để ngồi… ngắm lá me bay.
Trong khi, các gian hàng sách mới lẫn sách cũ vẫn thưa thớt người mua, không khí bán mua ở các gian hàng này như cảnh chợ chiều, dù hàng tuần luôn có các buổi giao lưu tác giả - tác phẩm hay triển lãm nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc sách First News, có gian hàng ở đây cho biết: “Chúng tôi tham gia Đường sách từ ngày đầu đến nay gần tròn một năm, nhưng doanh số bán hàng chỉ tạm đủ thu bù chi, thậm chí có tháng lỗ vốn. Tất nhiên, thương hiệu của First News hay các đơn vị tham gia được nhiều người biết đến nhiều hơn nhờ con đường này”.
Nhà văn Trần Nhã Thụy dạo Đường sách nhiều phen, nhận xét khá chua chát: “Có lẽ, những cuốn sách có giá trị trưng bày và làm phông nền để chụp hình hơn là để đọc. Và có lẽ, chụp hình với những cuốn sách sẽ làm cho bức hình trông trí thức hơn chăng? Thật buồn khi những cuốn sách ít được mua và ít được đọc”.
Vậy sách bán được nhiều nhất khi nào? Xin thưa, đó là trong các buổi giao lưu tác giả tác phẩm. Tùy vào độ “hot” của tác giả mà buổi giao lưu có đông người tham gia hay không.
Chẳng hạn, với những tên tuổi vang danh như ca sĩ Ái Vân, nhạc sĩ Trần Tiến, nghệ sĩ Kim Cương, Thành Lộc… các buổi giao lưu luôn có đông người dự. Phần nhiều đến để chụp hình với thần tượng của lòng mình, sẵn dịp mua cuốn sách để xin chữ ký tác giả về làm kỷ niệm.
Đại diện một đơn vị xuất bản xin giấu tên, cho biết: “Sách của những nhân vật này hay của một vài nhà văn đang hút độc giả, thường thì bán được một vài đợt trong các cuộc giao lưu rồi cất vào kho. Nhiều người mua sách không vì nhu cầu đọc tự thân, mà vì cần chụp hình và xin chữ ký tác giả nổi tiếng để khoe trên Facebook”.
Chính vì nắm bắt nhu cầu này của nhiều độc giả, các đơn vị xuất bản khi ký hợp đồng in sách với tác giả nổi tiếng thường kèm theo yêu cầu phải giao lưu ra mắt sách. Các cuộc gặp gỡ đều khá vui, song cũng phải ngậm ngùi khi cuốn sách đó được mua chưa hẳn vì nhu cầu đọc tự thân của mỗi người.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa
Tags