Cấm xe máy và cấm chợ cóc

Thứ Ba, 04/10/2011 12:55 GMT+7

Google News

(TT&VH) - “Chúng ta không bao giờ phát triển được dịch vụ vận tải công cộng tốt trong khi vẫn để phương tiện cá nhân hoạt động thoải mái. Như tôi vừa nói, phải là cung - cầu chứ nếu đầu tư nhiều nhưng không có người đi thì lại có tình trạng xe buýt “đắp chiếu”.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng xung quanh các kế hoạch cấm xe máy và các phương tiện giao thông cá nhân khác, đang gây xôn xao dư luận.

1. Nghe ý kiến này tôi bỗng nhớ đến một dạo thành phố mở chiến dịch tấn công các chợ cóc, chợ tạm và bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để xây dựng các chợ đầu mối, nâng cấp các chợ dân sinh... Kết quả là sau đó rất nhiều chợ xây bị bỏ hoang hoặc thay đổi mục đích sử dụng, trong khi đó chợ cóc, chợ tạm lại dạt hết từ ngõ ngách này sang ngõ ngách khác.

Hồi đó một vị lãnh đạo Sở Thương mại của thành phố có nói với tôi đại ý rằng, nếu không cấm triệt để các chợ cóc, chợ tạm thì các chợ mới xây sẽ không thể phát huy được tác dụng. Phải dồn ao lại thì mới có cá.


Chợ cóc vẫn sôi động dù bị cấm - Nguồn: Internet

Tôi thấy điều đó rất đúng. Những chợ cóc chợ tạm bung ra một cách tự phát, nhanh, rẻ - tiện - lợi cho cả người mua lẫn người bán. Người bán hàng thì không phải mua chỗ, đóng thuế (có chăng là mất các thứ “phí” không có trong sổ sách giấy tờ) để tận dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kiếm sống. Còn những người mua thì cũng tấp nập vào chợ cóc, khi chỉ cần tà tà xe máy vào lề đường trong buổi chiều tan sở là có thể mua được các món tươi sống về cho bữa tối với giá bao giờ cũng mềm hơn vào siêu thị. Đã thế lại không phải gửi xe và mất thời gian mua bán lâu la.

Giữa cái chợ cóc, chợ tạm và cái xe máy có mối quan hệ vô cùng khăng khít đến mức sẽ trở thành hình ảnh điển hình của thành phố trong hai thập niên gần đây. Nó cũng phản ánh trình độ “cơ động hóa” và “cá nhân hóa” đến tột độ.

Hầu như tất cả mọi người đều được lợi vì chợ cóc, chợ tạm. Chỉ có một thứ bị thiệt hại, đó là không gian công cộng của thành phố. Khi mỗi người đều tận dụng cái chung đó cho cái riêng của mình (đôi khi chỉ là sự tiện lợi riêng) thì cái chung cũng chẳng còn là của chung nữa. Nó bị gặm nhấm hết.

Nhưng rất nhiều tuyến phố, sau một thời gian thỏa hiệp với chợ cóc, chợ tạm, đã làm kiên quyết và cuối cùng các siêu thị đã mọc lên cùng các trung tâm thương mại. Các chợ mới xây ế ẩm dần dần lại đông người lên. Người bán có thể mất phí để vào chợ. Người mua có thể mất phí để gửi xe và mất thời gian để leo tầng hay đi thang máy, nhưng bù lại, mọi thứ đều văn minh hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn. Và quan trọng, không ai “tham nhũng” không gian công cộng nữa. Khi thói quen mua bán ở chợ hiện đại đã ăn vào đầu, người ta bỗng thấy ngạc nhiên là tại sao có thời mình lại có thể mua bán nơi vỉa hè, đầu đường xó chợ một cách bẩn thỉu và nhếch nhác như vậy.

2. Trở lại với các phương tiện cá nhân, nếu mỗi người đều có một chiếc xe máy, và với tính cơ động tuyệt vời của nó, người ta không thể sử dụng xe buýt hay các phương tiện công cộng khác. Và quy luật tất yếu: Các phương tiện công cộng ấy không thể hoàn chỉnh được mạng lưới, không thể nâng cấp được cả về số lượng, chất lượng; và như vậy khả năng phục vụ của chúng lại càng kém. Những hạn chế của chúng lại càng bộc lộ. Người dân lại càng chê chúng và càng gắn bó với xe máy hơn.

Nhưng lỗi không phải tại các phương tiện giao thông công cộng. Khi không còn tính cơ động, luồn lách của chiếc xe máy nữa, người ta mới thấy sự tiện lợi, văn minh, an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe... của các phương tiện công cộng. Cũng như nếu không còn sự tiện lợi nhất thời của chợ cóc, chợ tạm nữa thì người ta mới thấy được cái lợi ích lâu dài của chợ hiện đại.

Chỉ có thể thay đổi được, nếu cả xã hội cùng quyết tâm thay đổi, và mỗi người phải chấp nhận thay đổi thói quen của mình - thói quen mua bán vặt dọc đường và giờ đây là thói quen leo lên chiếc xe máy để đi bất kể đâu. Hãy “đồng bộ” từ trong tư duy.

Đông Kinh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›