(Thethaovanhoa.vn) - Lao đao, khó khăn chồng chất khó khăn, thực tế khắc nghiệt này đã và đang bộc lộ rõ nét với hoạt động của các không gian sáng tạo nghệ thuật. Chỉ mới đây thôi, trước khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, chúng ta vẫn còn cảm nhận được sức sống đầy khí thế của các không gian này…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, cần ngay một gói cứu trợ khẩn cấp để cứu các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật đang có nguy cơ phá sản vì dịch Covid-19.
Để không gian sáng tạo “chết” là không thể cứu vãn
Từ sau Tết nguyên đán, các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ đều bị đình trệ, hoạt động của giới showbiz Việt gần như “đóng băng”. Các nghệ sĩ, bầu sô đau đầu xoay xở nghĩ cách duy trì, dù là thoi thóp, để chờ đợi sân khấu đỏ đèn trở lại.
Trong bối cảnh đó, sự sống của các không gian sáng tạo văn hóa càng trở nên lao đao bội phần. Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, rất cần có chính sách cứu trợ khẩn cấp các không gian văn hóa sáng tạo, bởi đây là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, nếu để chết là sẽ chết hẳn, không thể cứu vãn. Các nhà sáng tạo cũng đánh giá, đây chính là nơi làm nên sắc màu tươi mới cho đời sống văn hóa. Khi người dân chưa có thói quen đến các bảo tàng, nhà hát, thư viện... thì ở góc độ nào đó, tính cọ xát, trẻ trung của các không gian sáng tạo lại mang đến nhiều cảm xúc cũng như sự tò mò, khát khao khám phá, trong đó đa phần là người trẻ.
“Không hoạt động thì không có nguồn thu, thực sự quá bi đát” là chia sẻ của hầu hết các chủ doanh nghiệp không gian sáng tạo. Bó buộc của hoàn cảnh khiến họ cực chẳng đã phải chuyển sang hình thức hoạt động online. Thế nhưng cách thức này cũng chỉ để duy trì trạng thái tồn tại và hầu như không có tiền thu về.
“Hồi sức” sau đại dịch như thế nào?
Theo đánh giá từ Viện VHNT quốc gia Việt Nam, tình trạng của các không gian sáng tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 rất đáng báo động. Bởi nguồn thu chính của những không gian này không dựa vào các hoạt động trực tiếp như triển lãm, chiếu phim, giảng dạy, biểu diễn... mà phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ hoặc vào các nguồn tài trợ, dự án ngắn hạn. Khi dịch bệnh ập đến, họ không kịp chuẩn bị về nguồn lực và năng lực để chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ của mình. Gần 200 không gian sáng tạo đang hoạt động trong mạng lưới của Việt Nam hầu như đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho thuê địa điểm và duy trì hoạt động lại đắt đỏ, việc không có nguồn thu khiến cho đa phần các địa chỉ trở nên khó khăn chồng chất khó khăn, vì “yếu” nên dễ chết yểu nếu... ra gió.
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng một câu hỏi được đặt ra, hết dịch thì khả năng “hồi sức” của những trung tâm sáng tạo này sẽ như thế nào? Liệu họ có tự thân chuyển động trở lại hay cần sự hỗ trợ của nhà nước và các nhà tài trợ khác? Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Bùi Hoài Sơn chia sẻ, ở các nước, nếu cần giúp đỡ thì nhà nước sẽ tập trung vào các không gian văn hóa nghệ thuật tư nhân. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần một gói cứu trợ khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ thuê địa điểm, trợ cấp thất nghiệp, vay ưu đãi, miễn giảm thuế... cho các không gian sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ cả về mặt công nghệ để tiếp tục thực hiện các chương trình, sự kiện, hoạt động định kỳ trên nền tảng trực tuyến.
Sau một thời gian đình trệ, ngoài sự chờ đợi để được giúp đỡ, các không gian sáng tạo cần phải nỗ lực tự tìm đường giải cứu chính mình. Chúng ta đang sống trong bối cảnh giải trí trực tuyến lên ngôi, những tràng vỗ tay được biểu thị bằng những cú nhấp “like”..., cho thấy một góc độ khác của đại dịch đã làm thay đổi cách trải nghiệm, hưởng thụ văn hóa của người dân. Đây cũng là “đề bài” buộc các không gian văn hóa phải sáng tạo nhiều hơn, nếu họ không muốn thoi thóp… cho đến chết.
Một đáp án trở thành lối thoát phổ biến được đa số chuyên gia đánh giá cao lúc này là các sáng tạo online. Thay thế hệ thống phòng ốc, dịch vụ phụ trợ... thì nay, các không gian đang cần phải chứng minh yếu tố sáng tạo một cách thực sự, theo đúng nghĩa đen. Và tất nhiên, gian nan thử thách, những địa chỉ còn “sống” được qua mùa đại dịch thì ắt sẽ “hồi sức” chẳng mấy khó khăn.
Theo Báo Văn hóa
Tags