(Thethaovanhoa.vn) - Có một câu chuyện đã trở nên rất quen thuộc trong những năm qua: cứ gần đến ngày khai giảng, chúng ta lại cùng bức bức xúc và lo ngại về "chủ nghĩa hình thức" ở ngày lễ trọng đại này.
- GS Ngô Bảo Châu & vẻ đẹp tri thức ngày khai giảng
- Những hình ảnh đẹp của học sinh Hà Nội ngày khai giảng
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học mới
- 22,5 triệu học sinh, sinh viên dự Lễ khai giảng năm học mới
Chạy theo chủ nghĩa hình thức, nên những ngày như thế trở thành một nỗi khổ, thậm chí là cực hình đối với học sinh. Học sinh đã phải tập khai giảng từ nhiều ngày trước. Và trước đó nữa, kỳ nghỉ hè của rất nhiều em đã bị cắt ngắn từ đầu tháng 8, khi cánh cổng trường đã mở và những buổi học đã diễn ra.
Đã ai hỏi học sinh: thật lòng, chúng muốn một ngày khai giảng như thế nào cho mình?
Rất dễ nhận thấy tính hình thức và sáo rỗng của những buổi khai giảng. Đa phần, không có gì khác ngoài các diễn văn, các quan khách đến để thể hiện sự quan tâm đến giáo dục và nhiều chi tiết khác nữa theo kiểu làm hình ảnh trong một buổi mang tính lễ lạt là chính.
Đó là chúng ta làm khai giảng cho chúng ta, những người lớn, vì chúng ta muốn nó phải hoành tráng, phải được người ta chú ý, được nhắc tới, được chụp ảnh. Chúng ta làm vậy là vì bản thân chúng ta, vì sự ganh đua, vì cả thành tích.
Có ích gì một lễ khai giảng tuyệt diệu và hoành tráng trong khi chính bọn trẻ là đối tượng được hướng tới (và chúng ta nghĩ là làm là để cho chúng) lại cảm thấy mệt mỏi và đôi khi, phải lắng nghe những lời đao to búa lớn ngoài khả năng cảm thụ của mình?
Chưa một ai, một tổ chức nào tiến hành những cuộc khảo sát đối với học sinh, về việc chúng muốn gì trong ngày khai giảng. Đã có ai cho chúng nói về suy nghĩ thực sự của chúng, và rồi tôn trọng chúng? Những tít báo rất kêu, những tấm ảnh đẹp về ngày khai trường (vài tuần sau khi bọn trẻ đến trường) không thể che giấu được vô vàn vấn đề của nền giáo dục.
Và, theo cảm nhận của tôi, ngày khai giảng từ nhiều năm nay đã dần mất đi ý nghĩa thực sự khi nó đã không còn là ngày đầu tiên học sinh tới trường. Và với việc khiến chúng và bố mẹ chúng cảm thấy mệt mỏi vì những bài diễn văn, những ngày tập rồi tổng duyệt, và đủ thứ lễ lạt khác, ngày đó khó có thể nói là có thể kích thích trong chúng sự ham học, tình yêu với trường lớp, sự gắn bó với thầy cô.
Nó cũng không còn tạo ra sự háo hức trở lại trường học để gặp thầy cô và bạn bè sau một kỳ nghỉ hè dài như trước đây nữa, như thế hệ chúng tôi đã cảm nhận. Khi đó, sau một mùa hè, ai cũng đã lớn lên, thầy cô thì trìu mến đón học sinh trở lại, và mái trường trở thành nơi chúng tôi muốn đến nhất.
Bây giờ, với việc ngày khai giảng ở rất nhiều nơi chỉ còn là một hình thức vì người ta đã làm hỏng nó, đã đến lúc chúng ta dứt khoát nghĩ đến việc thay đổi: hoặc là bỏ hẳn nó đi, hoặc phải thực hiện một cuộc cải cách triệt để về chương trình học, sao cho ngày khai giảng là ngày đầu tiên tới lớp.
***
Mà cũng thật lạ, Việt Nam là một đất nước hiếm hoi trên thế giới có chuyện trẻ đến trường học cả tháng rồi mới khai giảng, và khai giảng lại còn phải tập dượt, rồi tổng duyệt nữa.
Sau bao nhiêu năm, thực hiện bao cuộc cải cách, với bao thế hệ học sinh, nhưng chương trình học thì vẫn cứ bị cho là đồ sộ lên mãi, đến mức bọn trẻ phải đến trường trong kỳ nghỉ hè? Việc tạo ra một chương trình học, để học cho ra học, và nghỉ hè thì chỉ là nghỉ hè, tại sao lại khó đến thế?
Tôi chợt nhớ đến một đoạn trong cuốn truyện "Totochan, cô bé ngồi bên cửa sổ". Truyện có đoạn: "Em thầm nghĩ: "Khi nào mình là giáo viên…". Totochan đã tưởng tượng ra là ở trường, sẽ “không học quá nhiều, nhiều ngày hội thể thao, làm bếp dã ngoại, cắm trại và đi tham quan”. Tôi tin, có rất nhiều Totochan Việt Nam, có rất nhiều giáo viên và phụ huynh cũng mong được như thế và đã mơ đến những điều tương tự mà các nền giáo dục ở các nước tiên tiến đã và đang làm.
Biết đến bao giờ những ước mơ ấy thành hiện thực?
Trương Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Tags