Chào tuần mới: 'Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn'

Thứ Hai, 13/04/2020 07:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi xin mượn tên một bộ phim của Việt Nam để nói về cuộc chiến chống Covid-19 trong tuần mới này. Bởi vì thời gian thực hiện “cách ly xã hội” trước hết vẫn còn 2 ngày nữa (rồi mới xem xét việc có quyết định tiếp tục hay dừng thực hiện Chỉ thị 16 sau thời hạn 15/4). Nhưng trong mấy ngày vừa qua, nhiều người đã bộc lộ tâm lý chủ quan, đổ ra đường khi không có lý do thực sự cần thiết, không tuân thủ “giãn cách xã hội” một cách nghiêm túc.

Đừng thấy 'lắng' mà chủ quan với dịch COVID-19

Đừng thấy 'lắng' mà chủ quan với dịch COVID-19

Hơn 10 ngày, hơn nửa chặng đường thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội nhưng hai ngày gần đây, trên nhiều con đường, tuyến phố Hà Nội, hình ảnh Thủ đô tĩnh lặng đã gần như biến mất. Nhiều người dân đã sớm chủ quan, vội vàng từ bỏ nỗ lực "ở yên trong nhà" để lặp lại cuộc sống đời thường, bất chấp những nỗi lo từ dịch bệnh vẫn rất phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Tâm lý chủ quan của một số người không tuân thủ “giãn cách xã hội” ấy khiến tôi nhớ lại câu chuyện về cơn bão “trăm năm có một” tại đồng bằng Nam Bộ cách đây hơn 20 năm. Nó nhắc cho chúng ta một bài học không bao giờ cũ về thái độ ứng phó với thiên tai, thảm họa…

Đó là cơn bão số 5 có tên Linda, diễn ra vào năm 1997. Theo những người trong cuộc kể lại, trước khi bão đến, nhận định được mức độ nguy hiểm của nó, các cơ quan chức năng đã liên tục thông báo, họp khẩn cấp… để đối phó. Nhưng nhiều người vẫn không tin, cho rằng “bão đổ bộ vào Cà Mau” như chuyện của “những người thích đùa”. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì vùng đất này cả trăm năm nay bình yên, chưa hề có khái niệm về “bão”. Không chỉ người dân, một số quan chức địa phương cũng nghĩ vậy. Gọi về địa phương để cảnh báo, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đều nhận được phản hồi “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng”.

Và rồi hậu quả sau khi cơn bão đi qua thì ai cũng biết. Cái giá của nó là hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích. Ước tính thiệt hại về vật chất 7.200 tỷ đồng. Đau đớn và xót xa.

Mặc dù so sánh là khập khiễng những xét về mức độ nguy hiểm trên bình diện thế giới thì đại dịch Covid-19 còn đáng sợ hơn cả các thảm họa thiên nhiên như bão Linda. Nó cũng biết bao nhiêu năm mới xuất hiện một lần. Điều đáng mừng nhất là hiện nay (tính đến 18h ngày 12/4) ở Việt Nam chúng ta, số người bị nhiễm mới dừng ở mức 260 người và chưa có ca tử vong nào.

Chú thích ảnh
Người dân di chợ Gia Lâm (Hà Nội) vẫn chưa đảm bảo về khoảng cách 2m theo quy định. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Có thể khi theo dõi bản tin hàng ngày thấy cuộc chiến chống Covid-19 đang tiến triển rất tích cực, nên một số người nảy sinh tâm lý chủ quan, cộng thêm sự “bí bách” sau một thời gian ở nhà, thế là tìm cách… ra đường.

“Có một bộ phận người dân cho rằng khi thấy số ca mắc giảm, nghĩ là chúng ta đã khống chế dịch thành công. Thực tế, không phải vậy, bởi dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên” - PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, cảnh báo. Và ông cũng cho rằng: “Trước đây, với các ca xâm nhập, người ta khoanh vùng, tập trung lại dễ, biết nguồn cơn từ đâu. Còn bây giờ dịch lây ra cộng đồng nên rất khó. Vì thế, chúng ta mới cần giãn cách xã hội. Nếu tìm được nguồn lây thì đâu cần làm giãn cách xã hội. Chúng ta hiện nay không biết được đâu là người mang bệnh đâu là người lành. Dù số người nhiễm chưa nhiều, nó vẫn có khả năng lây”.

Chúng ta cũng nên biết rằng, không phải ngẫu nhiên thời điểm này có gần 5 tỷ người - một nửa dân số thế giới - phải cách ly tại nhà. Mọi người cũng nên tìm hiểu, tham khảo để trả lời câu hỏi: Tại sao nhiều quốc gia trên thế giới phải thực hiện những biện pháp nghiêm khắc để kiểm soát dịch bệnh? Họ làm điều ấy vì cái gì nếu không phải vì tính mạng của người dân.

Chú thích ảnh
Mật độ người tham gia giao thông trên một số tuyến phố tại Hà Nội lại bắt đầu đông trở lại. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Chính vì vậy, thời điểm này mọi người cần nghiêm túc thực hiện các quy định về việc “giãn cách xã hội”, chỉ ra ngoài khi có việc thật cần thiết. Việc tập luyện thể dục thể thao là cần thiết nhưng đâu cứ phải ra ngoài, có thể thay thế bằng các công việc tại gia như lau nhà, đi lên xuống các tầng dọn dẹp phòng, giặt giũ quần áo, phơi phóng chăn màn, rửa dọn bát đĩa, làm những công việc khác… Đấy cũng là hình thức vận động phù hợp, không ảnh hưởng cộng đồng.

“Từ đầu đến giờ chúng ta chỉ chiến thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, còn cả cuộc chiến vẫn ở phía trước. Mấy hôm nay tình hình được kiểm soát tốt hơn, nhưng không được chủ quan” - Phó Thủ tường Vũ Đức Đam đã phát biểu như vậy.

Cho nên người dân “thà chấp nhận ở trong nhà thêm một vài ngày nữa còn hơn là để bị kéo dài 1-2 tháng nữa”. Hãy nhớ rằng “Cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn”. Việc nó kết thúc như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng của mỗi công dân trong việc thực thi các chỉ đạo của Nhà nước.

Quốc Thắng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›