(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ năm 2013, ngày 20/3 hằng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là “Ngày Quốc tế hạnh phúc” nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao hạnh phúc trên toàn cầu.
Tôi có đọc được ở đâu đó rằng: Hạnh phúc là thứ cảm xúc thiêng liêng và quan trọng đối với đời sống tinh thần của con người. Tâm có an thì lòng mới thấy hạnh phúc, đừng cố đi tìm những thứ quá xa xỉ hoặc bám chạy theo phù phiếm đời thường mà quên mất rằng giá trị của hạnh phúc nằm ở những thứ cốt lõi nhất quanh ta…
Nếu xét theo “tiêu chí” trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy hạnh phúc hiển thị ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nhớ lại những năm tháng khó khăn thời kỳ bao cấp, chắc chắn những ai đã sống trong giai đoạn đó đều mơ ước là được đầy đủ cái ăn cái mặc, được học hành tử tế, có được một công việc để làm. Ai có được như vậy thì được cho là rất hạnh phúc.
Rồi theo thời gian, tiêu chí hạnh phúc cũng được “nâng cấp” lên như là phải có được cái xe máy làm phương tiện đi lại, phải có chỗ ở tốt hơn, rộng và tiện nghi hơn… Ngắn gọn hạnh phúc dường như là có được những vật chất ta mong muốn.
Thực tế câu trả lời từ cuộc sống lại khác. Bây giờ điều kiện vật chất phong phú hơn, phương tiện đi lại cũng tiện nghi, hiện đại hơn nhưng chắc gì chúng ta đã thực sự hạnh phúc hơn?
Làm sao có thể hạnh phúc khi ra đường luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông, ăn uống hàng ngày thì lo ngay ngáy thực phẩm bẩn, rồi nề nếp, lối sống, cung cách ứng xử và cả đạo đức xã hội nữa, luôn khiến cho chúng ta lo ngại... Hạnh phúc được không khi cả cộng đồng cùng sống trong một môi trường không sạch sẽ, bụi bẩn, ô nhiễm?
***
Tôi chưa có dịp đến Bhutan, một quốc gia không phải là cường quốc về kinh tế nhưng được Liên Hiệp Quốc đánh giá là có chỉ số hạnh phúc cao trên thế giới. Cần nhớ Bhutan cũng chính là nước đã khởi xướng ý tưởng về Ngày quốc tế hạnh phúc lên Liên Hợp Quốc.
Thế nhưng đọc những bài viết, những thông tin về cuộc sống của người dân nơi đây chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, họ hài lòng với cuộc sống của mình, triết lý nhà Phật thấm sâu cho nên họ kiểm soát được tham - sân - si, đặc biệt ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn thiên nhiên rất cao vì vậy quốc gia này có được một môi trường sống rất lành mạnh. Và quan trọng nhất là người dân nơi đây tin vào lựa chọn của chính mình. Như thế họ hạnh phúc là đúng quá còn gì nữa.
Một trong những câu nói hay về hạnh phúc mà tôi thấy phù hợp với nhiều người, nhiều hoàn cảnh cuộc sống đó là: “Ba yếu tố cần thiết lớn nhất để hạnh phúc trong cuộc sống này là một cái gì đó để làm, một cái gì đó để yêu thương, và một cái gì đó để hy vọng”.
Nghĩ lại thì thấy rằng đúng là như vậy. Hãy cùng nhau làm một điều gì đó để nâng cao hạnh phúc của chúng ta mà trước hết là từ trong mỗi cá nhân, sau đến gia đình và cả cộng đồng.
Chúng ta cũng chỉ thực sự có hạnh phúc nếu như biết trân trọng từng ngày sống trong hiện tại, không đau khổ, luyến tiếc quá khứ, cũng không đặt quá nhiều lo lắng, tham vọng vào tương lai. Mỗi ngày sống của chúng ta đều là một ngày đặc biệt, nhưng ngày 20/3 tới đây có thể xem là ngày đặc biệt nhất cho thông điệp về “hạnh phúc”. Bởi đó là ngày Xuân phân, ngày mà mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên trong ngày này, độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…
Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc - đó là thông điệp từ vũ trụ gửi tới chúng ta.
Đào Quốc Thắng
Tags