Chào tuần mới: Gia đình rất cần chữ 'thuận'

Thứ Hai, 22/06/2020 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần mới này, chúng ta kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc sẽ không bao giờ là cũ.

Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình Hà Nội

Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình Hà Nội

Trong bối cảnh truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình Việt Nam đang chịu nhiều tác động của cuộc sống hiện đại, việc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Hà Nội đang dần định hình những chuẩn mực ứng xử văn minh, tạo nề nếp để gia đình luôn bền vững, êm ấm.

Cách đây 6 năm, Nghị quyết số 33 - NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được ban hành. Trong phần nhiệm vụ có yêu cầu “Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người", và "Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau…”.

Không khó để nhận ra trên thực tế nhiều giá trị gia đình truyền thống đang bị thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh “toàn cầu hóa, thế giới phẳng”.

Tôi nhớ hồi nhỏ, thế hệ chúng tôi được học một bài văn tả buổi tối ở nhà em, bố thì ngồi đọc báo, mẹ thì ngồi lặng lẽ khâu vá quần áo cho cả nhà. Còn em ngồi ngay ngắn làm bài tập cô giao. Thực tế hiện nay đã thay đổi, rất khó có thể tìm ra mô hình các gia đình như thế.

Tôi có đọc được một bài viết, theo đó các chuyên gia, các nhà xã hội học cho rằng gia đình hiện đại giờ đây đang phải đối mặt với mấy vấn đề. Thứ nhất là rắc rối về tiền bạc, tiếp đến là ảnh hưởng của công nghệ, rồi đời sống tình cảm gặp trục trặc, công việc chiếm hết thời gian dành cho việc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau… Và cái cuối cùng, đó chính là sự không đồng thuận.

Nói về sự đồng thuận, trong ca dao tục ngữ Việt Nam có khá nhiều. Nhưng cá nhân tôi rất thích quan điểm của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt. Ông giải thích thật đơn giản “Đồng ý là để tiện cho anh hoặc cho tôi, còn đồng thuận là tôi với anh cùng làm”. Ví dụ cho cái ý này không phải tìm đâu xa, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, 14 ngày toàn quốc thực hiện cách ly xã hội thành công chính là kết quả của sự đồng thuận từ mỗi gia đình, cùng với sự quyết tâm của các cơ quan có trách nhiệm.

Chú thích ảnh
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Nguồn: Internet

Thế còn không đồng thuận? Có thể hiểu đó là xuất phát từ những khác biệt về phông văn hóa, sự trải nghiệm, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày… của mỗi cá nhân cho nên việc nhận biết, nhìn ra được những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến gia đình để có cách ứng xử phù hợp cũng khác nhau. Từ đó dẫn đến những mâu thuẫn trong đời sống các gia đình. Khi chúng ta nói về chuyện này, câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” hay được mọi người đưa ra để biện luận.

Có một câu chuyện tôi muốn kể, đó là mấy ngày nắng nóng vừa qua, trong lúc chờ đón con tan học ở cổng trường, tôi được nghe mấy bác phụ huynh lớn tuổi than phiền. Đại ý là: Anh thấy đấy, chúng tôi già yếu như thế mà vẫn phải đưa đón các cháu đi học. Cơ khổ, bố mẹ không ai chịu bớt thời gian của mình ra để làm cái việc ấy, cứ ỷ lại ông bà. Giá như bố thằng bé buổi chiều bớt tụ tập bạn bè đi đón con đỡ cho ông bà thì tốt quá. Tôi có góp ý thì cả nhà lại căng thẳng, vợ chồng con cái lại mâu thuẫn.

Cũng liên quan đến chuyện thời tiết, một anh bạn lớn tuổi tôi quen biết đã lâu thì gặp vấn đề khác, ấy là sử dụng cái điều hòa. Thời tiết vào Hè nóng, chồng không chịu được muốn bật điều hòa cho mát, nhưng người vợ thì xót ruột vì tiền điện sẽ tăng lên trong khi thu nhập 2 ông bà nghỉ hưu cả rồi không dựa được vào ai cả, buộc phải chi tiêu tiết kiệm. Vì thế chỉ khi nào thực sự cần mới cho bật điều hòa, còn chỉ dùng quạt cho đỡ tốn điện. Thế là mâu thuẫn, căng thẳng.

Những câu chuyện như trên thời điểm này có lẽ không phải là hiếm hoi trong xã hội chúng ta. Có rất nhiều cách để giải quyết những việc này nhưng mấu chốt vẫn là thiếu sự đồng thuận.

Chú thích ảnh
Nguồn: Internet

“Gia đình là một tập hợp để sản xuất, để chế tạo hay để sáng tạo ra một cái gì đó mà tất cả các cộng đồng ấy đồng thuận muốn… Nếu gia đình là một vở kịch để người khác xem cho đẹp mắt thì gia đình ấy chắc chắn không bền vững và không hữu ích” - Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt kết luận.

Quay trở lại với Nghị quyết số 33 - NQ/TW, dịp đầu tháng 6/2020, Bộ Chính trị đã có Kết luận về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết này sau 5 năm triển khai thực hiện. Trong đó tiếp tục “Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh”.

Để tiếp tục làm tốt công việc này, tất nhiên phải cần đến sự dồng thuận vào cuộc của các cấp, ban ngành, đoàn thể. Giá trị văn hóa gia đình chỉ có được khi mọi thành viên đều cùng chung trách nhiệm xây dựng và đóng góp từ tài chính (nếu con cái đủ tuổi đi làm), cho đến chia sẻ các công việc nhà không để dồn vào một phía (cho vợ hoặc cho chồng).

Bớt thời giờ sử dụng công nghệ để cả nhà có thời gian trò chuyện, hỏi han công việc. Tôn trọng các quyết định riêng của con (của vợ/chồng), biết cảm thông cho nhau. Giữ liên lạc thường xuyên với nhà trường nơi các con theo học để nắm bắt những phát sinh, sớm có biện pháp giải quyết…

Phía sau những bữa cơm chỉ có “Râu tôm nấu với ruột bầu…”, vậy mà “Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon” không phải chỉ đơn thuần là sự chia sẻ, cảm nhận những món ăn. Đó còn là sự nhường nhịn cũng như biết bằng lòng với những gì đang có, dẹp bỏ cái “tôi” để từ đó các thành viên chung sức đồng lòng hướng về cái “chúng ta”. Đấy chính là chữ “thuận” rất cần cho các gia đình hiện đại.

Quốc Khánh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›