(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, trong khi nhiều trường phổ thông ở Hà Nội còn chưa kết thúc được năm học cũ, thì Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022; theo đó, cho phép học sinh lớp 1 tựu trường từ 23/8, học sinh các lớp học khác từ 1/9, khai giảng vào 5/9, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022…
Cũng xin nói ngay, các mốc thời gian Bộ GD&ĐT tạo đưa ra là “sớm nhất” hoặc “muộn nhất”, chứ không có nghĩa Bộ yêu cầu tất cả các địa phương phải tựu trường và kết thúc năm học trong cùng một ngày.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang rất căng thẳng tại nhiều địa phương, thì xem ra, ngày học sinh “nô nức đến trường” vẫn còn khá xa. Vậy có đáng lo không?
Cuối tuần qua, con trai tôi cùng các bạn vừa trúng tuyển vào lớp 10 đã được nhà trường thông báo tin nhắn nhận lớp, làm quen với giáo viên chủ nhiệm. Và ở nhiều cấp học khác, ai ai cũng rất trông chờ xem kế hoạch tựu trường năm học mới sẽ như thế nào?
Đã thành thông lệ, mấy chục năm qua, cứ đến cuối Hè, khoảng tháng 8 là các gia đình bắt đầu chuẩn bị sách vở, bút mực, cặp sách, quần áo… sẵn sàng cho ngày tựu trường của con em mình. Nhà trường thì tiến hành kiểm tra, sửa chữa, đóng mới lại bàn ghế, cánh cửa các lớp học, rồi quét vôi lại tường lớp... Những đứa học kém cần phải phụ đạo thì đã phải tập trung sớm để cô giáo ôn luyện cho kịp chương trình… Và tất cả đều phải sẵn sàng cho ngày khai giảng 5/9 để năm học sẽ kết thúc trước ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) - đó là ngày mà những đứa học giỏi sẽ có thêm những phần thưởng kha khá từ các “ngày hội” tuyên dương con em cán bộ, nhân viên, người lao động.
Nhưng cũng cần phải nói rằng, không phải cái thông lệ đó lúc nào cũng phù hợp. Trong quá khứ, nhất là những năm tháng có chiến tranh, lịch tựu trường của những anh chị trong nhà tôi cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình, giờ học cũng phải chuyển đổi để đảm bảo an toàn. Hay như những đợt có bão lũ kéo dài, học sinh nhiều tỉnh cũng phải nghỉ học, rồi phải học dồn để đảm bảo học đủ chương trình.
Câu chuyện giáo dục tại nước ta thì rõ nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Có lúc, do học sinh phải ở nhà, nên việc dạy và học online mới được nhìn nhận nghiêm túc và được áp dụng rộng khắp. Và rồi không chỉ có học online, các em còn phải thi online, rồi năm học kéo dài sang cả tháng Hè, hay giờ đây giữa tháng Hè phải thi online để tổng kết năm học… Tóm lại không còn 3 tháng nghỉ Hè “full time” như trước nữa. Tất cả đều phải thay đổi cho phù hợp với tình hình dịch bệnh...
Quay trở lại với khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 mà Bộ GD&ĐT mới ban hành. Tôi cho rằng nó khá linh hoạt. Kế hoạch khung thực sự là “cái khung” để khi về các địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung toàn quốc. Có nghĩa là không nhất thiết phải khai giảng 5/9 mà có thể chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10. Trường hợp dịch quá căng thẳng, đến 15/6/2022 chưa thể kết thúc năm học thì địa phương báo cáo Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn đặc thù cho địa phương đó.
***
Giáo dục là một hoạt động xã hội và là một phần của cuộc sống. Vì vậy, khi cả xã hội phải dịch chuyển để thích nghi với tình hình dịch bệnh thì giáo dục cũng cần phải linh hoạt chuyển đổi.
Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải rèn luyện cho học sinh thành thạo các cách học, cách thi không giống như trước nữa. Thế nên, chuyện khi nào sẽ tựu trường hay chuyện sẽ tựu trường “online” hay “offline” không còn là chủ đề phải xôn xao nữa. Nó sẽ trở thành việc hết sức hiển nhiên mà thực tế đòi hỏi, chứ không nhất nhất phải theo thông lệ.
Quốc Khánh
Tags