(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay thật là đặc biệt trong cuộc đời của các em học sinh cũng như phụ huynh. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kỳ nghỉ Hè của học sinh ngắn lại, năm học thì kéo dài sang đến giữa tháng 7/2020 mới kết thúc.
Tết thiếu nhi năm nay ngẫu nhiên vào đúng ngày thứ Hai đầu tuần, không phải là ngày nghỉ. Vì thế tại nhiều nơi trên cả nước các em học sinh sẽ phải đón Tết thiếu nhi ở ngay trên lớp học của mình thay vì được bố mẹ cho đến các trung tâm vui chơi giải trí, đi mua quà, hoặc là tham gia các lễ hội, các trại Hè dành riêng cho chính các em…
Và cũng giống như những năm trước, cứ đến dịp này một câu hỏi luôn được đặt ra cho tất cả mọi người. Đó là chúng ta thực sự đã làm những gì vì tương lai con em chúng ta? Cái gì đã làm được? Cái gì còn tồn đọng? Tại sao?
Tôi nhớ hồi còn nhỏ đi học, khi ấy chúng tôi hầu hết là con em các gia đình lao động sống trong khu tập thể, cuộc sống phải nói là thiếu thốn, khó khăn đủ thứ cho nên sắp đến ngày 1/6 là thích lắm. Đến ngày ấy, đầu tiên là được ăn kẹo, rồi tham gia các trò chơi, được ra nơi trưng bày sách, có tiền thì mua, không có thì xem tại chỗ. Cái sân bóng mỗi dịp Hè về bao giờ cũng được mọi người tổ chức quét dọn sạch sẽ để buổi sáng tất cả ra tập thể dục, chúng tôi có chỗ đá bóng. Buổi tối thì ra đấy tập trung sinh hoạt Hè, học múa hát với các anh chị phụ trách.
Thời gian thay đổi, cuộc sống các gia đình giờ khấm khá hơn, cơ sở vật chất trường học tốt hơn, sách báo và các loại hình giải trí nhiều hơn. Nhưng trong sự phát triển chung của xã hội vẫn còn tình trạng cái “quyền” của các em chưa được quan tâm đúng mức.
Tại buổi lễ phát động Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn của báo Thể thao và Văn hóa, tôi nhận thấy những người tham dự đều thống nhất với nhau một điều, đó là chúng ta hiểu về trẻ em quá ít, không hình dung con trẻ bây giờ đã khác nhiều so với trước đây. Nhiều người vẫn cứ coi các em là “trẻ con thì biết gì”, từ đó dẫn tới việc không dành cho trẻ em sự “tôn trọng” đúng mức.
Nhiều bậc cha mẹ khi biết quy định khi đưa ảnh con mình lên mạng xã hội phải xin ý kiến của con đều tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi họn cứ nghĩ rằng mình đã... đẻ ra nó thì có toàn quyền với nó, huống chi chỉ là một bức ảnh “khoe con” lên Facebook!
Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin, trong tác phẩm “Con cái chúng ta giỏi thật” đã thử đặt mình vào địa vị của các em thiếu nhi để viết cho nhau những bức thư. Nhưng chính ông cũng phải thừa nhận rằng: “Các em viết thư cho nhau thật sự thì sẽ hay hơn nhiều những bức thư tôi nghĩ ra. Bởi những điều các em viết sẽ là xác thực, nguyên bản với cuộc sống trẻ thơ và những điều các em nghĩ. Chúng sẽ thật sự độc đáo và đáng tin cậy nhất. Đấy chính là sự khác biệt lớn, khoảng cách xa giữa người lớn và trẻ em”.
Còn nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng: “Trong thế giới phẳng này, các em vừa có thể say mê cây đa, bến nước, sân đình, bày tỏ lòng yêu quý ông bà, cha mẹ, bạn bè, nghĩ ngợi và lý giải về những điều hay - dở đang diễn ra xung quanh mình, lại vừa có thể say mê “hố đen vũ trụ”, tưởng tượng được là siêu nhân xông lên đỉnh Everest chiến đấu với quái thú cứu nhân loại… Để từ đó chúng ta điều chỉnh quan niệm coi các em là “đứa trẻ lớn” cần dạy bảo, rồi đồng hành với các em, trân trọng những gì các em đã sáng tạo được”.
Hãy tôn trọng “thế giới trẻ thơ”. Tương lai của con em chúng ta bắt đầu từ ngay hôm nay chứ không phải là ngày mai. Bởi khi “ngày mai” đến, rất nhiều em đã qua cái tuổi không còn là thiếu nhi nữa rồi.
Đỗ Doãn Tú
Tags