Chữ và nghĩa: 'Chiêm lên vai, thóc dài xuống đất'

Thứ Tư, 26/05/2021 07:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Chiêm” và “mùa” là 2 từ chỉ 2 mùa vụ nông nghiệp chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam.

Chữ và nghĩa: Tháng Giêng bếp chủ nhà, tháng 3 bếp con ở

Chữ và nghĩa: Tháng Giêng bếp chủ nhà, tháng 3 bếp con ở

Hai tháng (tháng Giêng, tháng 3) được nhắc đến trong câu tục ngữ này dĩ nhiên tính theo Âm lịch.

Vụ chiêm là vụ "[lúa hay hoa màu] gieo cấy vào đầu mùa lạnh, khô [tháng 10, tháng 11 Âm lịch] và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều [tháng 5, tháng 6 Âm lịch]". Còn vụ mùa là "[lúa] gieo cấy vào đầu hay giữa mùa mưa [tháng 5, tháng 6 Âm lịch], thu hoạch vào cuối mùa mưa hay đầu mùa khô [tháng 10, tháng 11 Âm lịch]" (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Câu tục ngữ trên (Chiêm lên vai, thóc dài xuống đất) là một kinh nghiệm dân gian về loại lúa chiêm khi thu hoạch.

Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này là: "(Lúa) chiêm ngay cả khi đã gánh lên vai vẫn có thể rụng dài trên mặt đất (vì cuống hạt ít dai). Hay dùng để nhắc mọi người phải thật nhẹ tay với thóc chiêm vì hạt vốn rất dễ rơi rụng".

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Khác với lúa mùa, lúa chiêm sinh trưởng và phát triển tùy thời vụ và thời tiết: “Chiêm chấp chới, mùa đợi nhau”. Lúa chiêm gieo sớm, hết lạnh, gặp mưa rào là lớn nhanh "mạnh ai nấy trỗ", chứ lúa mùa thì khác. Lúa mùa, dù cấy trước cấy sau lại trỗ và chín rất gần nhau trong một khoảng thời gian nhất định (cứ như hẹn hò nhau vậy).

Sự khác nhau về giống lúa và đặc thù sinh trưởng mà cọng của bông lúa chiêm thường giòn, dễ gãy. Hạt lúa cũng vì thế rất dễ rời khỏi gié lúa. Khi thu hoạch, nếu có sự tác động nhẹ (khi bó, khi gánh, khi vận chuyển...) là hạt lúa rất dễ rơi rụng, làm ảnh hưởng tới năng suất. Dân gian còn có câu "Chiêm giũ ngay, mùa ủ vào". Câu này nói lên kinh nghiệm nhà nông khi thực hiện công đoạn trục lúa (giũ rối lúa vừa thu hoạch trên một mặt phẳng - sân xi măng, sân gạch chẳng hạn - rồi dùng trục đá (người hay trâu bò) kéo, lăn đi lăn lại nhiều lần cho hạt lúa rời khỏi bông, sau đó giũ bỏ rơm để lấy hạt).

Như trên đã nói, hạt lúa vụ chiêm bám vào cuống không chắc như hạt lúa mùa, nên khi gặt xong, bông lúa còn tươi ta có thể trục (hay đập) luôn. Trong khi với lúa mùa, hạt lúa bám khá chắc vào cuống (gié lúa rất dai) nên thường người ta phải chất đống lúa, ủ qua đêm, có khi vài ba hôm (nếu lúa còn hơi xanh) cho hạt lúa thực chín, độ bám của hạt với cuống giảm đi, thì việc trục lúa mới dễ dàng, không tốn công tốn sức.

“Chiêm đi đơn, mùa đi kép”, cũng là một tục ngữ cùng hướng ngữ nghĩa này. Bởi với lúa chiêm, khi trục lúa, người ta chỉ cần kéo trục đá 1, 2 lần là lúa đã rụng hết. Trái lại, với lúa mùa, việc trục lúa lâu hơn. Người ta phải 2, 3 lần giũ rối (giũ cho các bông lúa rơi ngẫu nhiên, so le nhau) rồi trục tiếp thì mới có thể tách bỏ hoàn toàn hạt lúa ra khỏi bông.

Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ, nhà nông đã thay đổi căn bản cách thức canh tác và thu hoạch. Thay vào các giống lúa cao cây, dài ngày, năng suất thấp, người ta trồng cái giống lúa mới ngắn ngày, thấp cây, năng suất cao. Thay vào việc thu hoạch thủ công (gặt bằng tay, gánh bằng vai, trục hay đập lúa bằng sức người...) người ta đã có máy gặt đập liên hợp ngay trên cánh đồng. Với máy móc, thì lúa chiêm hay lúa mùa đều được xử lý đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả. Thời gian đã làm cho các câu tục ngữ về nhà nông xưa dần dần trở nên lạc hậu.

Máy gặt chạy giữa cánh đồng

lép, hạt mẩy chắc không ra ngoài.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›