(Thethaovanhoa.vn) - "Húng chó" là một từ chỉ một loại cây trong vườn nhà của nhiều gia đình Việt Nam, song lại khiến ta nghĩ ngay đến thịt chó - món ẩm thực gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận là nó đã ăn sâu vào trong văn hóa dân gian. “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không”; “Sống được ăn dồi chó, chết được bó vàng tâm”.
Với thịt chó, ngoài những gia vị như riềng, mẻ, mắm tôm… thì không thể thiếu lá húng. Lá húng hái trong vườn, không chỉ làm "xanh hóa" mâm cỗ mà còn làm cho hương vị thức ăn thêm đậm đà, thú vị hơn rất nhiều.
Thế nên, tiếng Việt mới có một từ định danh "phá lệ" mang tên “húng chó”.
Húng chó là một loại húng "tên gọi chung một số loài cây cùng họ với bạc hà, thường dùng làm rau thơm" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Nhóm cây cùng họ này có: Húng chanh (húng lá dày, mọc đối, có mùi thơm như mùi chanh, dùng làm thuốc), Húng dổi (húng lá hình mũi mác, hạt gọi là hạt é, ngâm vào nước thì vỏ hóa nhầy, dùng pha nước giải khát), húng dũi (còn gọi là húng lủi, húng lá tím và xoăn, ngọn phát triển theo hướng bò lan sát mặt đất), húng quế (húng có mùi thơm như quế)...
Như vậy, tên các loại húng này phản ánh đặc trưng mùi vị, hình dáng lá, trạng thái sinh trưởng... Chỉ có "húng chó" mang theo một danh từ chỉ động vật, đó là "chó" - "gia súc thuộc nhóm ăn thịt, nuôi để giữ nhà hay đi săn". Chỉ có điều, nếu nói đến gia súc quen thuộc trong nhà thì phải nói đến chó và lợn (2 con cỡ cũng gần bằng nhau, thịt cũng được dùng làm thực phẩm). Nhưng không hiểu sao chỉ có từ "húng chó" mà chẳng có từ "húng lợn" (mặc dù món thịt lợn được dùng phổ biến hơn hẳn).
- Chữ và nghĩa: Đồng tiền liền khúc ruột
- Chữ và nghĩa: Tại sao 'Có cá đổ vạ cho cơm'?
- Chữ và nghĩa: Lại quả, xưa và nay
Khi đưa thành tố "chó" để tạo thành từ "húng chó", người Việt đã ngầm xác định lá của cây này là dành riêng cho đặc sản thịt chó. Thực tế, người ta còn dùng lá húng trên làm gia vị ăn nhiều món khác: Thịt và lòng lợn luộc, thịt vịt hay ngan ngỗng luộc hoặc quay... Món tiết canh khoái khẩu mà thiếu húng này thì giảm đi một nửa hương vị là cái chắc. Húng chó rắc lên các món ăn hoặc để riêng, khi ăn đem chấm mắm tôm vắt chanh hay nước mắm gừng "đưa cay" thật thú vị. Ở nhiều quán ăn (nhất là các quán ăn ở miền Nam, miền Trung), người ta để cả cành (thậm chí cả cây) húng chó đã rửa sạch trên bàn. Thực khách khi ăn sẽ hái lá húng chó bổ sung vào món ăn của mình.
Để ý ta sẽ thấy, tiếng Việt có một số từ ghép, có sử dụng từ chỉ con vật làm "định ngữ" nhằm chi tiết hóa trong việc phân loại động vật, như: Gấu chó (gấu cỡ nhỏ, tai nhỏ, lông ngắn, mặt giống mặt chó), gấu lợn (gấu cỡ vừa, lông dài và rậm, màu nâu đen, mõm dài giống mõm lợn), gấu mèo (thú ăn thịt, hình dạng giống gấu cỡ nhỏ), gấu ngựa (gấu lớn, tai to, lông dài màu đen, yếm ngực màu vàng nhạt, to gần như ngựa), khỉ đầu chó (khỉ có đầu giống hình dạng đầu chó) v.v…
PGS - TS Phạm Văn Tình
Tags