(Thethaovanhoa.vn) - Báo chí những ngày qua nói nhiều tới hiện tượng một số nghệ sĩ showbiz bị đòi hỏi phải minh bạch hóa số tiền ủng hộ mà họ nhận được từ cộng đồng để cứu trợ cho những người đang trong tình cảnh khó khăn (bị bão lụt, rủi ro thiên tai hay quá nghèo khó…).
Trong những bài báo đề cập, ta thấy từ “sao kê” xuất hiện khá nhiều. Chẳng hạn: Lùm xùm sao kê tiền từ thiện và uy tín của người nghệ sĩ (vietnamplus.vn); Sao kê đơn giản, sao nghệ sĩ Việt phải đôi co (zingnews.vn) v.v…
Trong “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học, bản mới nhất (NXB Đà Nẵng, 2020) chưa thu thập và giải nghĩa từ “sao kê”. Nhưng 2 thành tố (sao, kê) thì đã được giải nghĩa đơn lẻ trong từ điển này.
“Sao” được thống kê với tư cách là từ thuần Việt và từ Hán Việt, với chức năng từ loại khác nhau: Danh từ, động từ, đại từ, trợ từ. Trong bài này, tôi chỉ xem xét “sao” và “kê” là 2 từ Hán Việt (bởi tổ hợp “sao kê” đang nói chính xuất phát từ tiếng Hán).
Sao (抄): Động từ, chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng bản gốc [thường nói về giấy tờ hành chính] (VD: Sao nguyên văn hồ sơ, bản sao, sao thành ba bản).
Có một số từ được tạo ra trong đó có thành tố “sao”: Sao chép (tạo ra một hoặc nhiều bản giống như bản gốc), sao lục (sao lại, chép lại đúng như bản gốc [thường nói về giấy tờ, văn bản]).
Còn kê (đúng ra phải đọc là “kế”, như trong “thống kế” (統 計) mà từ này, từ trước đến nay người Việt đọc sai thành “thống kê”), danh từ hoặc động từ, vừa thuần Việt vừa Hán Việt. Trong bài này, bỏ qua các nghĩa khác của “kê” thuần Việt, ta cũng chỉ xem xét “kê” với tư cách là từ Hán Việt.
kê (計) (đọc đúng: kế): Động từ, viết ra từng tên, từng món theo thứ tự để ghi nhớ hoặc để thông báo (VD: Kê đơn thuốc, kê danh sách khách mời, kê ra các thứ cần mua).
Ta thấy “kê” ở đây đồng nghĩa với “liệt kê”. Có nhiều từ khác sử dụng thành tố “kê”, ví dụ: Kê biên (kê danh mục tài sản có liên quan tới hành vi tội phạm để chờ xử lý theo pháp luật); kê khai (khai rõ từng khoản một cách đầy đủ theo yêu cầu, theo quy định nào đó) v.v…
Trở lại với từ “sao kê”. Thực ra, tuy chưa được thu thập và cập nhật trong các cuốn “Từ điển tiếng Việt” gần đây nhưng “sao kê” đã xuất hiện nhiều và thông dụng trong giao dịch ngân hàng. Ta vẫn đọc thấy, chẳng hạn: “Bảng sao kê nhận lương từ tài khoản ngân hàng là một trong những thứ chứng minh độ tin cậy tài chính của bạn…; Các dịch vụ phụ trợ: Yêu cầu phát hành sổ séc, dừng séc, yêu cầu in sao kê tài khoản... (Kiến thức ngân hàng, Internet).
Đây là một từ thể hiện công việc của ngân hàng với khách hàng phải thực hiện trong giao dịch thương mại hoặc thanh toán tiền tệ. Đôi lần, ra làm việc với ngân hàng về một khoản thu chi tài chính nào đó (chẳng hạn, cần xem toàn bộ khoản tiền nhận về hay chuyển đi trong tài khoản cá nhân vào khoảng thời gian nhất định mà ta không nhớ được) thường ngân hàng sẽ “lôi” dữ liệu trong máy và in ra một danh sách “sao kê” đầy đủ. Bản sao kê đó rất chi tiết, thông tin số liệu từng khoản (ngày giờ, số tiền thu/chi, nguồn gốc, nội dung thu/chi…) để 2 bên có căn cứ theo dõi, đối chiếu, làm rõ (nếu có thắc mắc).
Với sự xuất hiện với tần số khá dày, phản ánh một hoạt động trong thực tế đời sống, Trung tâm Từ điển học (Vietlex) dự kiến sẽ bổ sung từ “sao kê” ngay trong lần xuất bản tới đây, với nội dung như sau:
Sao kê (抄 計) [kê vốn do kế 計 nói trại mà thành] đg. sao lại thành bản khác theo đúng bản gốc từng tên, từng khoản theo thứ tự để ghi nhớ hoặc để thông báo (VD: Ngân hàng có dịch vụ in sao kê tài khoản. Các giao dịch được ghi chú rõ ràng trong bảng sao kê hằng tháng).
PGS-TS Phạm Văn Tình
Tags