Và đề nghị nhóm họp vào lúc 11 giờ đêm của Hạ viện Mỹ lại bị Thượng viện bác bỏ bởi một trong các nghị sĩ hàng đầu ở Thượng viện bảo rằng họ không đời nào đi thương thảo trong cái thế bị gí súng vào đầu.
Chính phủ bị đóng cửa tức là các hoạt động của chính quyền liên bang bị tê liệt do không có tiền để trả lương cho công chức, là các hoạt động công cộng ngừng làm việc... Hay đơn giản hơn, là tượng Nữ thần Tự do ở New York, tháp Bút chì ở Washington D.C... sẽ phải ngừng đón khách du lịch, vì không còn ai làm việc ở những nơi như thế.
Lần đóng cửa này, chỉ có quân đội là được xếp vào diện ngoại lệ. Tổng thống Obama với tư cách Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, đã gửi một thông điệp qua truyền hình và YouTube trấn an lính Mỹ trên khắp thế giới, rằng dù điều gì có xảy ra, những người lính Mỹ vẫn được trả lương và gia đình họ không bị bỏ đói.
Khái niệm đóng cửa Chính phủ hẳn là một điều gì đó hoang đường với chúng ta cũng như với nhiều nước khác, nhưng lại chẳng còn mới mẻ với nước Mỹ.
Nó đã từng xảy ra cuối năm 1995 và đầu năm 1996, thời Bill Clinton còn là tổng thống. Tổng thời gian cho hai lần đóng cửa chính phủ dạo ấy là 28 ngày, và thiệt hại đo được vào khoảng 1,4 tỷ USD.
Nó cũng từng suýt chút nữa đã xảy ra trong năm 2011, và chỉ tránh được ở phút cuối sau khi phe Cộng hòa ở Quốc hội và Tổng thống Obama đạt được thỏa thuận về cắt giảm chi tiêu từ ngân sách.
Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng tựu trung lại, một chính phủ làm việc thiếu hiệu quả về mặt kinh tế, chi nhiều hơn thu, tiền đi vay cho chi tiêu công vượt quá nhiều so với tổng thu nhập quốc dân thì phải chịu sức ép thay đổi, phải thắt chặt chi tiêu bằng cách tinh giảm bộ máy, giảm bớt các dự án thiếu hiệu quả. Bằng không nó sẽ không được rót kinh phí để hoạt động.
Lần này thì khác hơn. Mấu chốt nằm ở chỗ phe Cộng hòa muốn “thủ tiêu” Đạo luật Bảo hiểm y tế vốn gắn liền với tên tuổi của ông Obama tới mức nó được gọi là Obamacare, chỉ chấp thuận dự luật ngân sách một khi Đạo luật Obamacare bị bãi bỏ. Trong khi đó phe Dân chủ nhất quyết đòi phải thông qua ngân sách bao gồm các khoản chi cho chương trình bảo hiểm y tế mới.
Nhưng, đúng là Đạo luật y tế cũng sẽ làm cho Chính phủ Mỹ tăng chi lên một phần đáng kể, do phải hỗ trợ cho người nghèo mua bảo hiểm nhiều hơn. Nó cũng sẽ ảnh hưởng tới quyền tự do lựa chọn các giải pháp cho cuộc sống của người dân Mỹ vốn có một bộ phận ưa thích sự độc lập tự chủ.
Duy chỉ có điều thắc mắc, là lần nào cũng thế, người ta không hiểu tại sao các bên đều chỉ muốn chờ đến những giờ phút cuối cùng mới thúc đẩy tốc độ đàm phán, đưa ra các mặc cả, nếu như câu trả lời không phải là trò chơi chính trị.
Tức là chuyện đóng cửa Chính phủ và những hệ lụy của nó hoàn toàn có thể tránh được. Và đây chỉ là một trong các kẽ hở hiếm hoi để các chính trị gia Mỹ tung hoành.
Chúc anh chị sức khỏe và hẹn gặp ở thư sau!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần