(Thethaovanhoa.vn) - Trong cái hối hả buổi sáng đi làm cho kịp giờ, giữa một vài chục giây đèn xanh đèn đỏ căng thẳng, bất chợt nhìn lên những vòm cây cao vú, tâm hồn ta chợt như thay đổi. Tôi bỗng nhớ đến lời bài hát thiếu nhi “Ai trồng cây người đó có bóng mát. Trong vòm cây quên nắng xa đường dài…”
Nói đến cây xanh ở Hà Nội, chắc mọi người ai cũng có thể kể tên những tuyến phố, những con đường gắn với kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi học trò: Hoa sữa trên đường Nguyễn Du, hoa phượng trên đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên), hàng sấu trên phố Phan Đình Phùng, hàng xà cừ trên phố Hoàng Diệu…
Đó là những hàng cây đã in sâu vào ký ức. Nhưng còn có cả những hàng cây mới tinh sẽ cho lá, cho hoa và làm nên dấu ấn mới trong tương lai. Thật vậy, thời gian qua, một số tuyến đường, tuyến phố có hệ thống cây được trồng mới và trồng bổ sung hoàn thiện như tuyến Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Thụ, Văn Cao, Liễu Giai... Đặc biệt, hệ thống cây xanh được hoàn thiện đẹp nhất trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công (đoạn từ Cầu Giấy đến Sân bay quốc tế Nội Bài) được coi là tuyến đường mẫu mực trong việc thiết kế, trồng chăm sóc hệ thống cây xanh.
Đó là những thành quả bước đầu của Chương trình trồng thêm 1 triệu cây xanh của TP Hà Nội (2016 - 2020). Chương trình này khi mới khởi xướng đã được trao giải Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2016. Và theo con số thống kê mới nhất, đến tháng 6/2018, toàn thành phố Hà Nội đã trồng mới được 837 nghìn cây xanh đạt 83,7% mục tiêu chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trên 120 tuyến phố, tuyến đường của Thủ đô Hà Nội.
Nhiều chủng loại cây mới được đưa vào trồng ở Hà Nội tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị như: sang, hoa ban, chà là, cọ dầu, bàng lá nhỏ, cchiêu liêu, long não, giáng hương, lộc vừng...
***
Trong các loại cây xanh được trồng mới gần đây, người dân đặc biệt thích thú với hai loại cây mới là phượng tím và phong lá đỏ.
Phong lá đỏ được trồng mới trên một số tuyến phố như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh. Cây được trồng cao khoảng 7m, đường kính 20-25cm, cách nhau khoảng 3m tại dải phân cách. Đây là loại cây ôn đới, thường trồng nhiều ở châu Âu, Hàn Quốc... đặc điểm chính của cây là rụng lá vào mùa Đông thế nhưng trước khi rụng lá sẽ chuyển màu từ xanh sang đỏ hoặc là màu cam rất sặc sỡ.
Còn phượng tím thì đã được trồng rải rác ở một số nơi từ trước đó, và đã cho những vòm hoa tím rực rỡ, là điểm đến của nhiều người. Cây có thể nở hoa thường xuyên trong vòng 4-5 tháng, thời gian hoa nở đến khi tàn là 3-5 ngày; khi hoa cũ rụng thì các nhụy ở đầu cành lại tiếp tục nở ra hoa mới. Phượng tím tàn thì là lúc phượng đỏ bắt đầu khoe sắc thắm khi Hè về.
“Hà Nội đang áp dụng công nghệ trồng cây ra hoa quanh năm, phấn đấu để cây phượng Hà Nội sẽ khác Hải Phòng là ra hoa quanh năm. Ngoài ra, sẽ có những cây phượng ra hoa tím. Cứ 4 cây phượng đỏ, vàng lại có một cây phượng tím” - lãnh đạo thành phố đã tiết lộ như vậy về chương trình 1 triệu cây xanh. Chúng ta có quyền mơ về những con đường phượng tím xen lẫn phượng đỏ.
“Ai trồng cây người đó có hạnh phúc. Mong chờ cây mau lớn lên từng ngày” câu hát đó cứ ngân nga trong tôi, mong sao thành phố sớm đạt được con số 1 triệu cây xanh “sống thực sự”. 1 triệu cây xanh, sau 5 năm Hà Nội có ít nhất 15-20 triệu mét vuông cây xanh, đóng góp vào mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ cây xanh của Hà Nội được nâng lên thành 10-12m2/người.
Xuân An
Tags