(Thethaovanhoa.vn) - Những hình ảnh tranh cướp mua hàng tại các siêu thị và cửa hiệu, cảnh tượng hỗn loạn của biển người chen lấn để mua bằng được lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm, các kệ hàng lộn xộn, trống trơn đối lập với những dòng người rồng rắn xếp hàng chờ thanh toán... tất cả đang trở nên khá phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp.
Báo chí quốc tế đã dùng phép so sánh "cơn sốt mua hàng tích trữ lây lan" để mô tả làn sóng người dân đổ xô tới siêu thị và chợ "vét sạch" nhiều loại hàng hóa.
Tình trạng này một phần phản ánh nỗi sợ hãi thái quá của người dân khi dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra đang lây lan nhanh chóng và chưa kiểm soát được tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, song mặt khác, nó cho thấy tâm lý đám đông, một khi bị những yếu tố sai lệch chi phối, có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, gây ra những hệ lụy khó lường đối với đời sống kinh tế-xã hội trên toàn cầu, vốn đang oằn mình gánh đỡ những tác động nặng nề của dịch bệnh. Những yếu tố sai lệch như vậy có thể bắt nguồn từ luồng thông tin giả mạo lan tràn trên mạng xã hội, những tin đồn ác ý hay hành vi cố tình kích động, gây hoang mang, lo sợ cho người khác.
- Dịch COVID-19: Nghệ An yêu cầu khai báo trung thực về việc tiếp xúc với người trên chuyến bay VN0054
- Dịch COVID-19: Việt Nam có bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 thứ 34
- Dịch COVID-19: TP.HCM xác minh các nghệ sỹ tham dự sự kiện tại Italy và Pháp
Hiện tượng "giấy vệ sinh cháy hàng" xuất phát từ châu Á hồi tháng 2 vừa qua, sau đó theo đà lan xa của virus SARS-CoV-2 trên thế giới, tiếp tục xảy ra ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia..., có lẽ sẽ được coi như "điểm nhấn" của làn sóng tích trữ hàng hóa liên quan tới dịch COVID-19. Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing đã cảnh báo về hành vi hoảng loạn mua đồ tích trữ theo kiểu bắt chước nhau mà không cần suy nghĩ tính toán. Đây cũng có thể coi như một loại "virus" có sức lây lan nguy hiểm.
Hoang mang trước thông tin các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không ngừng tăng lên và bị bủa vây trong "cơn bão" tin giả trên mạng xã hội, người dân Anh ùn ùn đổ tới các siêu thị và cửa hàng bán lẻ để nhặt nhạnh nước rửa tay, giấy vệ sinh, mỳ ống và gạo...
Các kệ hàng trống trơn - hình ảnh hiếm thấy tại các siêu thị ở Anh vốn nổi tiếng là có nguồn cung ổn định - nay lan tràn trên mặt báo.
Theo kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu bán lẻ Retail Economics đối với trên 2.000 người tiêu dùng, cứ 10 người dân Anh thì có 1 người tới "càn quét" các siêu thị để tích trữ nhu yếu phẩm.
Nhiều người bày tỏ nỗi lo sợ thiếu thốn thực phẩm và nhu yếu phẩm nếu phải tự cách ly vài tuần ở nhà trong trường hợp bùng dịch COVID-19, trong khi nhiều người thừa nhận họ hành động theo đám đông.
Thực trạng này đã buộc Chính phủ Anh phải thành lập một lực lượng nhằm phát hiện và xử lý những đối tượng tung tin giả mạo về dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Các siêu thị ở Anh cũng bắt đầu áp dụng hình thức hạn chế số lượng mua một số mặt hàng thiết yếu để tránh nguy cơ khan hiếm.
Tại Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ngoài Trung Quốc đại lục, với 9.172 ca nhiễm và 463 ca tử vong tính đến ngày 10/3, sau khi chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte quyết định mở rộng lệnh phong tỏa ra toàn bộ "đất nước hình chiếc ủng" với hơn 60 triệu dân, người Italy cũng vơ vét hàng hóa tại các siêu thị.
Từ thủ đô Rome tới thành phố Naples, những hàng dài người nhẫn nại xếp hàng bên ngoài các cửa hiệu lúc nửa đêm để chờ mua các mặt hàng đang ngày càng khan hiếm như xà phòng và nước rửa tay, đến giấy vệ sinh, bánh quy, pasta và đồ hộp. Theo các chuyên gia kinh tế, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng đột biến trong những ngày gần đây, doanh thu của các chuỗi siêu thị ở Italy đã nhảy vọt ở mức hai con số.
Cảnh hỗn loạn cũng xuất hiện ở vùng đô thị Bangkok ở Thái Lan khi người dân lùng sục những mặt hàng thiết yếu có thể dự trữ lâu ngày như mỳ gói, gạo, giấy ăn, cá đóng hộp và nước đóng chai. Các tập đoàn bán lẻ lớn như Tops Supermarket, Tesco Lotus, Mall Group và Big C Supercenter đã thừa nhận rằng những mặt hàng nói trên, đặc biệt là mỳ gói, được người dân mua với số lượng rất lớn để tích trữ.
Đó chỉ là một vài nét nổi bật trong bức tranh hỗn loạn mô tả cảnh tượng chung tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên thế giới thời gian qua. Các chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng lý giải tình trạng này một phần xuất phát từ tâm lý hoang mang, lo sợ của con người trước những diễn biến xấu như chiến tranh, dịch bệnh...
Trong những tình huống này, cuộc sống thường ngày bị đảo lộn, nỗi sợ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung ngày càng tăng có thể đã thúc đẩy tâm lý tích trữ. Giáo sư Khoa học hành vi và tâm thần tại Đại học Northwestern (Mỹ), ông Stewart Shankman cho rằng: "Mọi người đang tìm kiếm một cảm giác rằng mình có thể kiểm soát tình hình bằng cách mua những món mà họ không thực sự cần. Đó là một cảm giác kiểm soát giả tạo". Trong khi đó, nhiều quốc gia được đánh giá và cũng đã chứng minh đủ năng lực giải quyết trong trường hợp xảy ra khủng hoảng về nguồn cung hàng hóa.
Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý bất an quá đà khiến không ít người mua tích trữ bởi thấy mọi người đều làm như vậy chứ không phải vì mình cần. Nói cách khác là hành động của người này đã "kích hoạt" sự lo lắng của người khác. Bên cạnh đó, những thông tin đồn thổi hay sai lệch cũng tác động không nhỏ. Giáo sư tâm lý học rủi ro tại Đại học Doshisha (Nhật Bản) Kazuya Nakayachi cho rằng hiện tượng tích trữ hàng hóa liên quan tới việc mọi người nghe nói rằng một loại mặt hàng nào đó sẽ khan hiếm, dẫn tới họ mua thật nhiều mặt hàng đó.
Những người đến sau thấy mặt hàng này đã "biến mất", đổ xô đi săn lùng và cố gắng mua hết những gì còn lại. Đơn cử như việc người dân Hong Kong (Trung Quốc) đã "cuống cuồng" tích trữ giấy vệ sinh và nhiều nhu yếu phẩm sau khi xuất hiện tin đồn hàng hóa sắp khan hiếm vì dịch COVID-19, dù chính quyền đặc khu đã bác bỏ những tin đồn này.
Hành vi tích trữ hàng hóa trước hết có thể gây rối loạn thị trường bởi nó gây tình trạng khan hiếm ảo, vô hình trung tạo cơ hội cho những kẻ đầu cơ trục lợi, găm hàng để đẩy giá hàng hóa lên cao mà khi đó người tiêu dùng là đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng đột biến nhu cầu hàng hóa như vậy ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động ổn định của các doanh nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh tại Trung Quốc, nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu thế giới, tình trạng tích trữ hàng hóa có thể khiến những tác động này ngày càng trầm trọng.
Hiện tượng tích trữ hàng hóa còn có thể gây thêm tâm lý hoang mang và mất lòng tin của người dân, trong một số trường hợp dẫn tới những hành động quá khích, thậm chí là phạm tội. Điển hình như vụ ba người đàn ông bịt mặt dùng dao khống chế một tài xế xe tải bên ngoài siêu thị ở quận Mong Kok, Hong Kong (Trung Quốc) để cướp 600 cuộn giấy vệ sinh trị giá 1.600 HKD (tương đương hơn 205 USD), khi tình trạng "săn lùng" giấy vệ sinh đang lan nhanh ở khu vực châu Á vào trung tuần tháng 2.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Mỹ WSL Strategic Retail, Wendy Liebman, còn cho rằng hành vi tích trữ hàng hóa là "không nhân văn".
Quả thực, việc mỗi người dân ồ ạt tích trữ một khối lượng hàng hóa lớn khiến cho nhiều người không thể mua được những món hàng thiết yếu nếu dịch bệnh bùng phát mạnh. Khi nhiều cửa hàng Walgree ở miền Nam California, Mỹ, hết sạch thuốc ho, thuốc cảm cúm, bình xịt, khẩu trang và nhiệt kế, rất nhiều người thực sự cần để điều trị bệnh và ngăn ngừa virus sẽ không được cung cấp.
Ở khía cạnh khác, những hình ảnh "tranh mua bán cướp" trong bối cảnh dịch bệnh trầm trọng như COVID-19 có thể xem như "hành động xấu xí", bởi nó phản ánh một "bức tranh màu xám" về ý thức xã hội, ý thức cộng đồng. Hành động chỉ lo vơ vét tích trữ hàng hóa cho mình, để bảo vệ mình mà không nghĩ tới những người xung quanh chính là biểu hiện của "sự ích kỷ", thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Bình tĩnh, không để những thông tin sai lệch chi phối và không chạy theo "hội chứng đám đông" có lẽ là chìa khóa để tránh những "hành động xấu xí" như vậy.
Phan An - TTXVN
Tags