(Thethaovanhoa.vn) - Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Một trong những thay đổi của thông tư này chính là Điều 37 quy định về các hành vi mà học sinh không được làm. Trong đó có “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Điểm nổi bật ở Thông tư mới này đã bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Đại diện Bộ GD&ĐT giải thích việc đưa ra quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Thông tin này ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên, phụ huynh học sinh. Trong khi nhiều học sinh reo hò vui sướng thì các hiệu trưởng, giáo viên và cả phụ huynh tỏ ra lo ngại việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường THCS, THPT sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Nhìn lại sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới từ trước đến nay, đúng là các sản phẩm công nghệ được làm ra để phục vụ cho con người. Tuy nhiên, sản phẩm ấy cần có nghiên cứu và đánh giá cụ thể, chứ không phải là tùy tiện.
Điện thoại thông minh là một trường hợp như vậy. Không phải là vô lý khi mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc sử dụng điện thoại thông minh trong học đường được kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn ở Thái Lan, trong hầu hết các lớp học, việc sử dụng điện thoại bị nghiêm cấm. Một số trường thậm chí còn giới hạn thời gian học sinh có thể dùng điện thoại thông minh trong khuôn viên trường giữa các tiết học và sau giờ học.
Singapore cũng cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp từ 7h30 tới lúc tan học vì lý do tương tự và thêm nữa là hạn chế lưu hành nội dung bị cấm. Nếu mang theo thì phải tắt điện thoại, còn vi phạm thì sẽ bị tịch thu điện thoại từ một tuần đến một năm.
- 'Quán thanh xuân' tháng 9: Nghệ sĩ Minh Vượng, Minh Hòa 'mất show' vì... điện thoại
- Một thành phố ở Nhật Bản cấm người đi bộ sử dụng điện thoại
Ở Pháp, gần 90% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi dùng điện thoại di động, theo AFP, nhưng vào năm 2018 nhà nước vẫn cấm dùng điện thoại trong lớp với lý do giảm thiểu tình trạng mất tập trung, chống bắt nạt trên mạng và quan trọng là khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn…
Tại Việt Nam chúng ta thì sao? Hẳn nhiều người còn nhớ, câu chuyện đầu năm ngoái về Khá "Bảnh" – người đăng nhiều video có lời lẽ tục tĩu, giang hồ trên YouTube với gần 2 triệu người đăng ký theo dõi . Đó là câu chuyện cần quan tâm về việc phụ huynh cần kiểm tra và hiểu con cái chúng ta đang xem gì trên mạng? Xen giữa đó là câu hỏi: giữa những gì các em học được - cái hay và cái dở - cái nào nhiều hơn? Liệu đó có phải là nguyên nhân sâu xa để nảy sinh ra những hành động, hành vi lệch chuẩn, tôn sùng bạo lực ở các em như đánh đập dã man bạn bè chỉ để thể hiện bản thân?
Công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Tuy nhiên việc sử dụng, khai thác nó sao cho đúng mục đích và đạt hiệu quả thì lại phụ thuộc vào con người. Không phải cứ có điện thoại thông minh là sẽ biết nhiều điều, học được nhiều cái hay, kiến thức bổ ích. Để có được điều ấy cũng cần phải có “người dùng” thông minh, biết khai thác điểm mạnh và kiểm soát tránh lan man mất thời gian vào những trò game, mất tập trung, không chú ý vào việc chính là học tập và làm việc.
Vẫn biết rằng việc cho học sinh học tập với các loại máy móc hiện đại, trong đó có máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh, là một nhu cầu tất yếu của giáo dục hiện nay. Nhưng chúng ta cũng cần phải có sự cân nhắc, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng. Cần tìm hiểu xem mức độ cần thiết của cả người dạy và người học đến đâu?
Chúng ta ủng hộ việc học sinh dùng điện thoại trong học đường hay nên cấm không cho các em sử dụng? Đó là bài toán cân bằng giữa lợi ích và rủi ro. Đáp án của nó rất cần nhận được ý kiến nghiêm túc từ các gia đình. Đi cùng với đó là công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT nhằm đánh giá chính xác, chặt chẽ việc thực thi tại các trường học…
Và cần phải cân nhắc để ý nhiều hơn đến “cái mất”, đừng chỉ nghĩ đến “cái được”.
Quốc Thắng
Tags