Trong năm 2013 những văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, "báu vật nhân văn" Hà Thị Cầu; NSƯT Hồ Kiểng; "trưởng thôn" Văn Hiệp; nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú; nhà thơ Tạ Hữu Yên; nhạc sĩ Phạm Duy; ca sĩ trẻ Wanbi Tuấn Anh; diễn viên - biên kịch Thế Sơn; đạo diễn Bạch Diệp; GS- TS, NSND, nhạc trưởng Quang Hải; nhạc sĩ Hoàng Hà; diễn viên hài Tuấn Dương... đã lần lượt trở thành "người thiên cổ”.
Vẫn biết, năm nào cũng có mất mát và ngành nghề nào cũng chịu những nỗi đau khi những cây đa cây đề ra đi như một lẽ tất yếu của tạo hóa. Nhưng, những người thường xuyên xuất hiện trước công chúng (từ vị nhạc trưởng lãnh xướng cả một dàn nhạc tới những diễn viên trọn một đời đóng các vai phụ) liên tiếp ra đi sau khi tận hiến cho xã hội luôn tạo cho con người nỗi buồn chung. Hồ như, những nụ cười quanh ta dần rời bỏ, những ngôi sao trên trời dần tắt trên đầu…
Những người nghệ sĩ ra đi luôn để lại cho đời những dấu ấn đặc biệt. Đó là sự trân quý hơn những cái đẹp và những giá trị tinh thần vô hình - những thứ chẳng thể mang khi sang bên kia thế giới nhưng vô giá khi để lại trần ai.
Trong bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy khi nói về những người đã khuất: Người đào mồ gửi vào đất cả quan chức lẫn thường dân, cả nhà học giả và thằng vô lại. Có điều, người ta trở về với đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con đường khác nhau, mang theo mồ những điều thiện và ác khác nhau… Người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên, mả đẹp. Vì mồ yên mả đẹp an ủi được con người. Nhưng mong muốn hơn là an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức của người quá cố để lại cho đời.
Sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Tuấn Dương vừa qua, hẳn nhiên, ông cũng là một người tử tế với những "công đức để lại cho đời" là những nụ cười trong từng vai diễn.
Sự ra đi của nghệ sĩ hài Tuấn Dương, cùng “trưởng thôn” Văn Hiệp hay NSƯT Hồ Kiểng, những người ngoài một vài vai chính, các nghệ sĩ trên trọn đời diễn những vai phụ. Trọn đời họ làm nền cho đồng nghiệp tỏa sáng. Cũng vì lẽ đó, sự quan tâm của công chúng dành cho họ lúc sinh thời vì thế cũng không thiết tha những những diễn viên chính trong những vở kịch, những bộ phim.
Sự ra đi của họ khiến nhiều người bất ngờ, chua xót khi nhận ra sức lao động tận tụy, âm thầm của những "kép phụ" trong mỗi khuôn hình để đem lại niềm vui cho khán giả. Cũng không lạ khi đến lúc những người luôn "làm nền" ấy biến mất, nhiều người mới giật mình biết tới tên họ, dù ngày nào cũng gặp…trên TV. Trong thời khắc “sinh ly tử biệt”, công chúng thấy hẫng hụt trước sự vắng bóng của những con người tưởng như xa lạ mà rất đỗi quen thuộc ấy.
Liệu sự ra đi của những nghệ sĩ có là lời nhắn gửi tới những người đang sống, rằng chúng ta nên trao nhiều hơn nữa tình yêu thương dành cho những người bình dị; nâng niu hơn những người sắm những vai nhỏ bé, không chỉ trên màn ảnh, mà trong cả trong cuộc đời.
Hay đơn giản và gần gụi hơn, mỗi người nên dành sự quan tâm cần thiết tới những người bán phở, anh bảo vệ cơ quan ta gặp mỗi sáng, những bạn bè, đồng nghiệp vốn quen mà không thân... Bởi họ chính là những người đóng “vai phụ” đáng quý, đang bị lãng quên trong cuộc đời chằng chịt mối quan hệ của mỗi chúng ta.
Hãy trân trọng những người sống quanh mình trước khi họ rời cõi tạm. Và hãy yêu nhau đi quên ngày u tối, dù vẫn biết mai này xa lìa thế giới. Mặt đất đã cho ta những ngày vui mới. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời...
Phạm Mỹ