(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam thực sự đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên, nếu nhìn lại những gì mà làn sóng COVID-19 lần 2 đã gây ra, chắc chắn nhiều người sẽ không dám chủ quan!
Vì đâu người dân "quên" đeo khẩu trang khi ra đường?
Tính đến hôm nay (13/10), Việt Nam đã hơn 40 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên tình hình đại dịch trên thế giới vẫn hết sức phức tạp. Việt Nam cũng đã trải qua làn sóng COVID-19 lần thứ hai với hậu quả là 35 người thiệt mạng. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 đã nhiều lần ra thông điệp không được chủ quan với dịch bệnh.
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có công văn đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm công tác phòng chống COVID-19 trong giai đoạn mới. Trong đó đề nghị người dân ra đường mang khẩu trang. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn nhiều người chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh.
- Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt mức 38 triệu
- Dịch COVID-19: Thêm một chuyên gia Ấn Độ dương tính với SARS-CoV-2 và được cách ly ngay
- Dịch COVID-19: Pháp và Anh sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp phòng dịch
Những nơi công cộng như công viên được khuyến cáo đeo khẩu trang nhưng nhiều người không muốn mang khẩu trang với nhiều lý do.
Không chỉ ở công viên, tại bến xe vẫn có một số hành khách không đeo khẩu trang. Một trong những giải pháp để nâng cao ý thức là các nhà xe sẽ từ chối phục vụ nếu hành khách không đeo khẩu trang.
Tại bến xe bus công cộng, nếu không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối phục vụ. Nhờ vậy nhiều người tuân thủ hơn.
UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị các Sở, ban, ngành yêu cầu các sở ngành, quận huyện, phường, xã, thị trấn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy sự xuất hiện của tâm lý chủ quan.
Các cơ sở y tế không được chủ quan trước COVID- 19
Bộ Y tế đã khuyến cáo với thông điệp 5K, trong đó khai báo y tế là đặc biệt quan trọng, nhất là tại các cơ sở y tế - nơi được xem là tập trung rất nhiều người từ các nguồn khác nhau. Ngành y tế đã yêu cầu các bệnh viện trong cả nước, tuyệt đối không được chủ quan phòng chống bệnh. Bởi thực tế đã cho thấy lây lan COVID-19 tại các cơ sở y tế dẫn tới hậu quả khôn lường.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia định TP.HCM, tất cả người dân vào bệnh viện phải qua sàng lọc. Với ai có triệu chứng sốt, ho sẽ phải qua khu sàng lọc dành riêng, tách biệt với tòa nhà chính. Đây cũng là yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM để tránh lây nhiễm chéo.
Bệnh viện Nhân dân Gia định TP.HCM cũng ứng dụng công nghệ thông tin để người dân thuận tiện khai báo y tế. Tại đây, chỉ cần quét mã QR Code, người dân có thể khai báo online mà không tập trung quá đông trước cổng bệnh viện.
Việt Nam thực sự đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên, nếu nhìn lại những gì mà làn sóng COVID-19 lần 2 đã gây ra, chắc chắn nhiều người sẽ không dám chủ quan. Bởi có những người nhiễm bệnh đã không qua khỏi. Dịch bệnh không chừa một ai!
Theo VTV
Tags