Ga metro cạnh Hồ Gươm: Chúng ta có quyền lựa chọn

Thứ Tư, 16/03/2016 07:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ VHTT& DL có văn bản gửi lãnh đạo Hà Nội đề nghị tìm thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của nhà ga C9 bên Hồ Gươm.

Đây là lần hiếm hoi Bộ VH-TT& DL ra văn bản mang tính “cảnh báo” liên quan tới vấn đề hạ tầng. Thậm chí, Bộ đã chọn cách làm khó khăn hơn, đó là xây dựng thêm các phương án, từ đó tổ chứclấy ý kiến chuyên gia… Tất nhiên, điều này khiến khối lượng công việc của Hà Nội sẽ nhiều thêm trong quá trình xây dựng tuyến tàu điện ngầm xuyên trung tâm thành phố.

Sự cẩn trọng này của Bộ là hợp lý. Văn bản của Bộ phần nào giải thích nguyên do của việc này: Vị trí các lối lên xuống trong bản quy hoạch hiện tại thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt (Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn), vốn là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân.


Có nên xây nhà ga C9 bên Hồ Gươm?

Hơn nữa, như nguyên KTS trưởng Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm đã từng trao đổi với người viết: “Hồ Gươm là biểu tượng mạnh về ý chí cộng đồng, ý chí người Hà Nội, ý chí nhân dân cả nước và ý chí của bạn bè nước ngoài đối với Hà Nội. Bất cứ hành động xây sửa nào quanh Hồ Gươm đều nhận được sự quan tâm đặc biệt”. Có vô vàn ví dụ: Từ nhà vệ sinh công cộng tới khách sạn vàng, từ việc lát đá quanh Hồ tới việc mở rộng nhà hàng Thủy Tạ ra mặt nước đều được công luận chú ý và phản biện mạnh mẽ.

Chúng ta không chỉ bảo vệ di sản quốc gia đặc biệt bằng cách để “bọc kính” di sản. Hay nói nôm na là “tránh Hồ Gươm ra cho lành”, để mặc Hồ Gươm với những quán hàng lộn xộn, xe cộ lưu thông mật độ cao, tiếng ồn lớn. Dù khó, dù có thể sẽ nhận nhiều ý kiến trái chiều nhưng chúng ta vẫn phải tìm cách phát huy tối đa giá trị của Hồ Gươm.

Vấn đề muôn thuở luôn là câu hỏi: làm như nào? Nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc ga tàu điện sát Hồ Gươm sẽ tăng thêm áp lực giao thông. Thêm nữa, ga tàu điện cũng đặt dấu hỏi lớn về năng lực chịu tải môi trường tại khu vực vốn rất nhạy cảm về văn hóa - lịch sử. Cả những vấn đề liên quan tới quá trình thi công ga tàu điện sẽ tác động ra sao tới khu vực.

“Qua sự việc làm tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội phải chặt nhiều cây, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra rằng: Trong quy hoạch đô thị, đôi khi, con đường ngắn nhất chưa chắc đã là con đường tiết kiệm nhất. Bởi, giảm được chi phí tài chính, chúng ta phải trả cái giá quá đắt về môi trường, di sản ký ức…”- KTS Lê Việt Hà trao đổi với người viết.

Thay vì làm ga C9 áp sát Hồ Gươm, việc dựng một ga ở vườn hoa Con Cóc cách đó vài trăm mét như phương án của các chuyên gia Nhật cũng là giải pháp KTS Lê Việt Hà nhắc lại. Điều này vừa giải quyết được vấn đề đưa du khách tới Bờ Hồ, vừa giảm tải môi trường, giao thông, đảm bảo được cảnh quan danh thắng.

Tất nhiên, giải pháp này đòi hỏi chi phí cao hơn do “đi đường vòng”. Tiền và “trả giá” di tích, chúng ta không thể “tiết kiệm” cả hai. Nhưng chúng ta đang có quyền lựa chọn.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›