Giá trị của Tết

Thứ Bảy, 25/01/2020 08:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang sống trong thời khắc đầu tiên của năm Canh Tý 2020, theo hệ âm lịch. Và thực tế, trong tâm thức của người Việt, vòng quay của một năm mới cũng chỉ thật sự bắt đầu sau phút giao thừa, với ngày Tết Nguyên đán cổ truyền.

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền Bắc Trung Nam, nét văn hóa 'chảy' theo chiều dài đất nước

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền Bắc Trung Nam, nét văn hóa 'chảy' theo chiều dài đất nước

Việt Nam được biết đến là đất nước có sự đa dạng văn hóa giữa các dân tộc anh em và các vùng miền, nhưng đó là sự đa dạng trong tương đồng, thống nhất. Sự tương đồng này được thể hiện khá rõ trong ẩm thực, đặc biệt là nghệ thuật ẩm thực ngày Tết cổ truyền.

Chắc chắn, trong những ngày vừa qua, tâm trí của cộng đồng cũng chủ yếu hướng về một chữ “Tết” ấy, với sự chờ mong và hồ hởi.

Đó không hẳn chỉ là tâm lý chờ đợi vào một chuỗi ngày lễ kéo dài để nghỉ ngơi và thư giãn sau một năm tất bật cùng dòng chảy thường nhật. 

Đó cũng không phải là sự trông chờ vào một chuỗi ngày mang nặng tính “hưởng thụ” – khi mà khái niệm “ăn Tết” ngày xưa giờ đến nay cũng đã thay đổi rất nhiều, với sự dư giả hơn về vật chất và những quan niệm mới về giải trí trong ngày lễ.

Nếu chỉ có vậy, ngày Tết đã không được mong chờ đến thế.

Lấy cái mốc đón năm mới theo lịch âm, Tết Nguyên đán từ xa xưa với người Việt, chính là dịp để mỗi người quay về với những giá trị ở gia đình và dòng tộc. Ở đó, dù là mùi khói hương trên bàn thờ, dù là mâm cỗ cúng gia tiên hay những tập tục truyền thống khác, tất cả đều hòa quyện cùng sự thiêng liêng của phút giây năm mới để khiến con người trở nên gắn bó hơn, cả với người thân và nguồn cội của mình.

Chú thích ảnh
Những giá trị về gia đình và dòng tộc chính là điều quan trọng nhất ở Tết nguyên đán

Thực tế, khi những nhu cầu về vật chất dần được đáp ứng trong xã hội hiện đại, đã có lúc cuộc tranh cãi về sức hút của cái Tết truyền thống được xới lên. Để rồi, khi những ngày đầu tiên của năm mới cận kề, một cách tự nhiên, ta sẽ lại quên đi nỗi lo về sự... nhàm chán của Tết, và bị cuốn theo niềm vui được sum họp vui vầy, được dành trọn tâm trí và thời gian cho gia đình, tổ tiên hay dòng tộc.

Trong cuộc sống đời thường, không dễ để mỗi người có được những thời khắc như thế.

Giống như, từ gần một thế kỷ trước, cố học giả Nguyễn Văn Huyên đã viết: “Trong khi đột nhiên kéo mọi người ra khỏi cuộc sống đơn điệu, Tết vừa khiến cho họ khẳng định sức mạnh tinh thần của gia đình, vừa làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội gắn bó “trăm nhà” với nhau có lẽ đã tồn tại từ hàng ngàn năm ở xứ sở này.

Chính vì lý do đó mà Tết vẫn sinh động ở nước ta, mặc dù thời gian khắc nghiệt và những đóng góp chẳng đâu vào đâu của các khái niệm luân lý mới hay những phản xạ tâm lý mới”.

***

Chấm dứt vòng quay của 12 tháng âm lịch, chúng ta vẫn thường chúc nhau về sự may mắn, hanh thông của một năm mới cho mỗi đời người. Và theo cách sắp xếp của tạo hóa, Tết nguyên đán được mặc định là cột mốc đánh dấu một vòng quay mới ấy theo cách ấy.

Vài ngày tới, người Việt lại trở về với cuộc sống thường nhật. Nhưng hành trang bước vào năm mới của mỗi chúng ta đều có thêm một phần đặc biệt: những tình cảm gia đình đầm ấm trong Tết nguyên đán. Đó là động lực quan trọng ở một xã hội hiện đại - khi càng phát triển, con người càng có xu hướng tìm về với những giá trị cơ bản và bất biến.

Cúc Đường

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›