(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/6 năm nay là một ngày Quốc tế thiếu nhi khá đặc biệt. Đây là lần thứ hai, chúng ta cùng các em nhỏ đón “Tết thiếu nhi” giữa muôn nỗi khó nhọc, bộn bề mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Còn nhớ, vào thời điểm này năm trước, cả nước đã bước ra khỏi đợt giãn cách xã hội toàn quốc. Để “tăng tốc” bù lại quãng thời gian đã mất, năm học ở hầu hết các cấp được kéo dài thêm so với thông lệ. Và ngày 1/6 của năm ngoái là thứ Hai, nên các em nhỏ vẫn phải cắp sách tới trường – thay vì được thảnh thơi đón Tết thiếu nhi như cột mốc mở ra kì nghỉ Hè hàng năm.
Nhưng ở chuỗi ngày quanh cột mốc 1/6 của năm ngoái, các hoạt động biểu diễn hay sự kiện nghệ thuật dành cho trẻ em vẫn diễn ra khá rôm rả. Thậm chí, như chia sẻ từ những người trong cuộc, đó còn là quãng thời gian “bằng vàng” của các dịch vụ giải trí gắn với trẻ em, khi những khán giả nhỏ tuổi đều háo hức được vui chơi sau chuỗi ngày giãn cách xã hội.
Còn năm nay, ngày Tết Thiếu nhi dành cho các em không may mắn như vậy. Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang bao trùm lên nhiều tỉnh thành và khiến cho hầu hết các hoạt động văn hóa ở những đô thị lớn đều ngưng trệ. Chưa nói tới việc đưa trẻ đi xem kịch, xem phim hay tới những không gian vui chơi giải trí, bản thân việc đi chọn mua một món quà có nghĩa cho các em cũng sẽ là điều khiến nhiều người ngần ngại trong bối cảnh dịch bệnh thế này.
Nhưng, là phụ huynh, một cách tự nhiên, chẳng ai muốn con em mình phải đón một ngày Quốc tế Thiếu nhi lặng lẽ như thế. Để rồi, hẳn rất nhiều người trong số chúng ta sẽ đưa ra một lời hứa với trẻ nhỏ, rằng khi nào hết dịch Covid-19, các em sẽ được “bù lại” bằng những chương trình giải trí hay những món quà hấp dẫn hơn.
Khi mà cuộc chiến chống dịch ngày càng khốc liệt, đó là lựa chọn tối ưu nhất với nhiều gia đình.
***
Thực tế, việc tổ chức những chương trình biểu diễn, lễ hội hay dịch vụ giải trí theo kiểu “chuyên nghiệp” cho thiếu nhi vào ngày này mới chỉ phát triển mạnh từ hơn chục năm qua. Một mặt, điều này đến từ sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí và ở mặt còn lại, nó cũng gắn với những thay đổi về điều kiện kinh tế của mỗi gia đình khi hướng tới con em mình.
Thế nhưng, cũng cần nhìn lại: Trong những năm qua, chúng ta phần nhiều vẫn có tâm lý coi Tết Thiếu nhi là ngày hội gắn với quyền được vui chơi, được chăm sóc của trẻ em trước sự quan tâm của gia đình và xã hội. Cách nhìn ấy không sai, nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ, khi mà thực tế đời sống cho thấy: Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ em cũng có những thay đổi về nhu cầu vui chơi, giải trí và giáo dục của mình. Và chắc chắn, sự thay đổi ấy phải do người lớn khơi nguồn và dẫn dắt.
Bởi, sẽ rất dễ dàng để trong điều kiện bình thường, mỗi người trong chúng ta đưa con trẻ đi chơi, xem kịch, xem phim hay dự một lễ hội trong ngày 1/6. Nhưng, để những vở diễn, bộ phim hay lễ hội ấy có thể xuất hiện quanh năm, thay vì mang tính mùa vụ và đứt đoạn, đó trước hết phải là câu chuyện từ các đoàn nghệ thuật, cũng như chính sách bảo trợ của ngành quản lý văn hóa.
Cũng giống như, trong bối cảnh bây giờ, mỗi phụ huynh đều có thể dễ dàng mua một bộ sách dành cho thiếu nhi để đáp ứng nhu cầu giáo dục và giải trí của con em mình. Nhưng, nếu chúng ta muốn chọn được những bộ sách thật sự phù hợp với thế giới quan và sự tri nhận của các em và đặc biệt, chọn được những bộ sách không chỉ được dịch lại của thế giới mà còn gắn với những gì “thuần Việt” quanh các em trong cuộc sống hàng ngày đó lại là câu chuyện dành cho người lớn.
Có thể, với sự trầm lắng của ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, mỗi gia đình đều không khó để trả “món nợ” cho con em mình, khi dịch Covid- 19 bị đẩy lùi. Nhưng, vượt lên câu chuyện của ngày này, sẽ không đơn giản nếu chúng ta muốn hướng tới “món nợ” lớn hơn: Tạo dựng một hệ thống những sản phẩm văn hóa để đáp ứng được nhu cầu giải trí và giáo dục của các em theo đúng nghĩa.
Trí Uẩn
Tags