(Thethaovanhoa.vn) - Một câu chuyện nhỏ nhưng cũng đủ khiến chúng ta thêm ấm lòng trong những ngày u ám vì bệnh dịch: Chiều 11/7 vừa qua, 47 đồng bào dân tộc H'rê đã về tới quê nhà tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) một cách an toàn.
Vượt một quãng đường dài để về quê trong mùa dịch - đó không phải là câu chuyện hiếm gặp ở những người lao động nghèo (và không có điều kiện để bám trụ tại đô thị) thời điểm này. Nhưng, hành trình của những 47 người đến từ Ba Tơ lại rất riêng: Họ dự định đi bộ suốt hơn 500 km - khi không tìm được phương tiện nào khác trong thời điểm dịch bùng phát.
Rất may, cuộc “hành hương” ấy không diễn ra theo kế hoạch.
Thiếu việc làm, không có tiền mua thức ăn, những người lao động tự do này bắt đầu khởi hành từ Cam Lâm (Khánh Hòa) để về Ba Tơ. Sau 2 ngày và 1 đêm, họ đi được 50km, trước khi được phát hiện trên đường. Và, sau khi hỗ trợ thực phẩm cùng nước uống, các cơ quan chức năng của Khánh Hòa đã test nhanh Covid-19 cho họ (kết quả âm tính) và đưa tất cả lên 2 chiếc xe ô tô để đi nốt quãng đường còn lại.
Cứ làm một phép tính cơ học với vận tốc 50km/2 ngày, sự hỗ trợ từ tỉnh Khánh Hòa đã giúp những người lao động ấy rút ngắn quãng đường…19 ngày đi bộ ròng rã trên lý thuyết. Và quan trọng hơn, ở thời điểm bệnh dịch đang hoành hành - trong khi có tới 1/3 số người này là phụ nữ - động thái nhân văn và giàu trách nhiệm ấy cũng loại bỏ những rủi ro về sức khỏe, thậm chí là tính mạng, mà đoàn người rất có thể gặp phải trên đường.
Nhưng, sau sự hồ hởi, chúng ta vẫn phải nói về những băn khoăn mà câu chuyện ấy mang lại. Hãy đặt giả thiết, trong những ngày sắp tới, nhiều địa phương sẽ tiếp tục xuất hiện những nhóm lao động tự phát rời nơi làm việc để về quê - và không chỉ đi bộ mà còn sử dụng các phương tiện khác nhau?
Đó không phải là một sự lo xa, khi tâm lý muốn trở về quê nhà để “trú ẩn” cùng người thân trong mùa dịch là điều chi phối rất nhiều người lao động tha hương trong những ngày này. Một mặt, tâm lý ấy cần được chia sẻ và thông cảm - nhưng mặt khác, rõ ràng sự di chuyển ấy cũng tiềm ẩn những mối lo về khả năng lây truyền bệnh dịch trong thời điểm chúng ta cần “ở đâu yên đấy”, nhất là ở các vùng dịch bùng phát, đang bị giãn cách xã hội.
Khi đang phải căng sức để chống dịch, sẽ rất khó để các địa phương liên tục bị động, và chạy theo hỗ trợ những cuộc “hành hương” tự phát của người lao động. Và cũng không phải ngẫu nhiên, tại nhiều địa phương trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục động viên và đề nghị người lao động không về quê trong thời điểm này để tránh dịch lây lan.
- Góc nhìn 365: Giấc ngủ ở tuyến đầu
- Góc nhìn 365: Tôi đi tiêm vaccine Covid-19
- Góc nhìn 365: Đừng gieo rắc hoang mang
Ai cũng biết, tùy hoàn cảnh, vẫn có nhiều lao động - đặc biệt là các lao động nhỏ lẻ theo thời vụ như trường hợp 47 người tại Ba Tơ - khó lòng bám trụ tại các đô thị hoặc khu công nghiệp trong mùa dịch. Nhưng chắc chắn, tất cả những trường hợp ấy cần được kết nối và hỗ trợ để có những chuyến đi an toàn và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch - thay vì những cuộc “hành hương” tự phát đầy rủi ro.
Và, để bớt đi gánh nặng của các cơ quan chức năng, không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày qua, chúng ta nhắc nhiều tới vai trò của các hội đồng hương, tại những địa phương trên cả nước. Nếu có sự phối hợp và vận động theo mô hình xã hội hóa, những tổ chức này hoàn toàn có thể hỗ trợ - cả về vật chất và tinh thần - cho những người lao động tha hương, để từ đó có thể giúp họ vững tâm không vội vàng “bỏ phố về quê”, hoặc chí ít là di chuyển một cách an toàn và tuân thủ mọi quy định cần thiết trong mùa dịch.
Mỗi người cố gắng và hy sinh thêm một chút để hỗ trợ cộng đồng, đó là đòi hỏi không vô lý trong thời điểm bệnh dịch đang lan tràn như bây giờ…
Trí Uẩn
Tags