(Thethaovanhoa.vn) - GS-TS Trần Đình Sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) là nhà lý luận văn học - nhà nghiên cứu ngữ văn đầu ngành của Việt Nam. Quan điểm của ông là hãy nhìn ngôn ngữ như một hiện tượng xã hội.
“Thế nào là tiếng Việt trong sáng? Đó là tiếng Việt mà đa số người dân đều hiểu được. Nếu tối nghĩa, khó hiểu thì là thiếu trong sáng. Có người hiểu trong sáng là tính thuần khiết, không pha tạp thì quan điểm đó trái với quy luật chung của ngôn ngữ” - ông Trần Đình Sử chia sẻ suy nghĩ cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).* Thưa ông, tiếng Việt hiện nay sử dụng nhiều từ tiếng Anh như OK, World Cup, body, awards… và nhiều thứ tiếng khác nữa, ông có nhận xét gì trước hiện tượng này?
- Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Nó tồn tại, phát triển theo nhu cầu xã hội và do điều kiện lịch sử tạo nên. Việc tiếp nhận các từ ngữ, từ tố, lối nói của nước ngoài để làm phong phú tiếng mẹ đẻ là một xu hướng tất yếu và tự nhiên.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, tiếng Anh được tiếp nhận ồ ạt. Hiện tượng này diễn ra trên khắp thế giới. Ở Pháp do tạp giao với tiếng Anh quá nhiều, Pháp đã có luật về ngôn ngữ, chỉ cho phép nhập cái gì mà tiếng Pháp không có. Nước Nga cũng vậy, tiếng Anh cũng nhập rất nhiều. Trung Quốc cũng đang có hiện tượng lạm dụng hoàn toàn giống Việt Nam. Mỗi câu nói thông thường, nhiều người cứ chen tiếng Anh vào. Hiện tượng này đang gây đau đầu cho họ.
Một mặt trong cuộc sống hiện đại và giao lưu ta gặp nhiều hiện tượng mới, sự vật mới cần được gọi tên. Nhưng mặt khác, sự lạm dụng đang gây lo ngại cho nhiều người. Bởi vì báo chí và truyền hình là phương tiện công cộng, nói với người Việt, mà nhiều người Việt không phải ai cũng biết tiếng Anh, họ không hiểu, như thế là phản tác dụng và không tôn trọng người đọc và người nghe.
Ngôn ngữ phải có tính toàn dân, ai cũng hiểu được và được hiểu. Lối lạm dụng của đài báo là tước đoạt quyền được nghe được hiểu của đông đảo quần chúng, không thể chấp nhận.
GS-TS Trần Đình Sử
* Sự “lai tạp”, “tiếp nhận” trong quá trình phát triển của ngôn ngữ các nước trên thế giới, đặc biệt là ngôn ngữ nói như thế nào, có trường hợp nào giống với Việt Nam như hiện nay?
- Sự “lai tạp”, “tạp giao”, “lai ghép” (hybrid) là một quy luật của ngôn ngữ sống, đặc biệt là ngôn ngữ nói, nó xảy ra trên toàn thế giới. Với tính chất tiết kiệm (tức là nói ngắn hơn), sáng tạo và võ đoán, từ nào tiện lợi, ngắn, thông dụng thì người ta dùng.
Sự lai ghép ngôn ngữ có mấy hình thức: Một là dịch âm, dùng nguyên tiếng nước ngoài mà đọc theo âm Việt, ví dụ ti vi, sốc, hot, nốc ao. Hai là dịch nghĩa như tin tặc, đo ván. Ba là tạo từ mới như vi tính, chế bản (chữ này của Nhật). Bốn là dùng nguyên xi những từ thông dụng quốc tế như UNDP, Unicef, TPP… Năm là có những từ không thể dịch được, hoặc dịch được nhưng dài dòng, không thuận tiện thì người ta dùng nguyên xi.
Như thế sự lai ghép sẽ làm phong phú cho tiếng Việt, khiến nó tiếp cận thế giới, thúc đẩy giao lưu. Nhưng lai ghép cũng có thể làm cho ngôn ngữ mất sự trong sáng. Đó là sự tiếp thu dễ dãi, không góp phần làm giàu tiếng Việt mà làm nó rối thêm, nghĩa là nó không theo mấy hình thức tiếp nhận nói trên.
* Trước đây dân ta cũng dùng nhiều từ tiếng Pháp, rồi tiếng Nga… việc này qua thời gian có mang lại hệ lụy gì đáng lo ngại?
- Tôi nghĩ ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh. Những gì không cần thiết sẽ tự mất đi. Ví dụ các từ như liệt xa (đoàn tàu), liệt xa trưởng (trưởng tàu) mà ta tiếp thu của Trung Quốc những năm 1954 - 1955 thì nay đã mất đi, vì người ta tìm được các từ Việt hay hơn để thay thế. Từ đốc tờ trước đây chỉ bác sĩ, nay đã không dùng vì chữ bác sĩ nghe thuận tai hơn. Có một thời ta gọi rocket, nay ta gọi là tên lửa. Các hiện tượng tiếp nhận thái quá sẽ được ngôn ngữ điều chỉnh theo cơ chế của nó.
Về nguyên tắc những từ tiếng Việt có thì không nên lạm dụng tiếng Anh. Ví dụ có thể nói cúp thế giới, cúp châu Âu, thì cần gì phải World Cup, Euro. Đã có từ quyền Anh thì không cần nói boxing.
Có những từ rất mới như gene, hacker ta dịch rất hay thành gen (trong biến đổi gen), hoặc tin tặc, từ nock-out từ lâu đã dịch thành đo ván rất hay rồi, trước ta gọi tơ rớt, nay ta gọi là tập đoàn kinh tế. Cho nên ngôn ngữ luôn biến động chứ không đứng yên.
Có những từ tiếng Anh khó dịch hoặc dịch dài dòng như chat, web, E-mail, album, showbiz… thì ta có thể dùng để đáp ứng nhu cầu giao tiếp. Nhưng có từ thư điện tử rồi thì có cần từ E-mail? Từ album thời Pháp ta đã dùng, nay vẫn có thể gọi là bộ sưu tập được thì nên dùng tiếng Việt. Người nói sẽ lựa chọn cách nói nào thuận hơn.
* Nói như vậy là ông không hề bi quan?
- Chúng ta đang sống trong thời hội nhập, công nghiệp hóa, cách mạng khoa học kỹ thuật, biết bao sự vật mới, khái niệm mới cần phải tiếp thu. Không tiếp thu thì khép kín và lạc hậu.
Cho nên việc tiếp thu như trên một mặt phải coi là chuyện bình thường, cần kíp. Nhưng mặt khác, phần nhiều tiếng Anh được sử dụng tràn lan, chủ yếu là do giới trẻ, họ học tiếng Anh, nhưng chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để dịch thành tiếng Việt cho nên cứ dùng nguyên xi, trực tiếp cho tiện, nhất là trong giới của họ, và họ hiểu với nhau. Rồi đến khi ngôn ngữ tự điều chỉnh thì họ sẽ theo tập quán chung.
Lý do thứ hai là các phương tiện truyền thông lạm dụng rất phổ biến, cứ tuôn tiếng Anh ra hàng ngày. Ví dụ một số chương trình văn hóa, thể thao, tiếng Anh dùng khá tùy tiện, các bài hát nước ngoài, tên các bộ phim nước ngoài, tên các giải đấu, vòng đấu, tên các môn thể thao họ cứ đọc nguyên tiếng Anh, không tìm cách dịch, mà áp đặt cho người nghe, thì các phương tiện đó coi thường người nghe Việt và gây hại rất lớn cho sự trong sáng của tiếng Việt, vì họ là cơ quan văn hóa.
Tiếp nhận tiếng nước ngoài cũng giống như mọi tiếp nhận khác, nói chung không được bê nguyên xi, mà phải Việt hóa, bởi vì người tiếp nhận phải sáng tạo. Sử dụng tiếng Anh một cách lười biếng thì chính là làm hại ngôn ngữ Việt.
Tiếng Việt sẽ tự thay đổi và tự điều chỉnh, nhưng đó sẽ là một quá trình lâu dài. Nếu người tiếp nhận biết lựa chọn, sáng tạo thì sẽ làm cho tiếng Việt bớt trở ngại trong giao tiếp. Làm cho tiếng Việt thông thuận, không ngại giao tiếp là bản chất của sự trong sáng của ngôn ngữ.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags