(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội lại ngập cục bộ ngay trận mưa lớn đầu mùa. Phố bỗng biến thành sông và cư dân cả thành phố bì bõm đi học, đi làm. Thật đáng buồn, giữa thành phố Thủ đô vì hòa bình, ngàn năm văn hiến mà như sống giữa một đô thị đang quy hoạch tạm bợ, nắng là ngột ngạt khói bụi ô nhiễm, mưa lớn là thành phố như vỡ trận, đường xá như bị… phong tỏa.
“Paris có một Paris khác ở ngay phía dưới nó, một Paris của các cống ngầm” - Victor Hugo từng viết như vậy trong cuốn tiểu thuyết Những người khốn khổ (Les Miserables) vào năm 1862. Xem cảnh Jean Valjean vác theo Marius chạy trốn theo những đường cống ngầm ở Paris, khi ra đến miệng cống chạm trán thanh tra Javert mới thấy hết sự to lớn của hệ thống “tiêu hóa” cho một thành phố khổng lồ cần quy mô thế nào.
Theo tài liệu để lại, người Pháp đã 3 lần lập quy hoạch Hà Nội. Nhưng cho đến khi người Pháp rút đi, khu vực nội thành mới có 36 vạn dân, diện tích 15,2 km2, loanh quanh khu phố cũ. Phố cổ Hà Nội có thể ít bị ngập nhưng nó vô cùng nhỏ bé so với Hà Nội bây giờ.
Hà Nội đã mở rộng trở thành một trong những Thủ đô lớn nhất thế giới, đô thị phát triển dần đến “đại đô thị”, “siêu đô thị”. Nếu không phải thiên tai lớn, một mảnh đất không bao giờ bỗng dưng bị ngập. Chính chúng đã góp phần dìm Hà Nội trong cảnh ngập úng nặng nề một cách ào ạt và kiên nhẫn trong mỹ từ đô thị hóa.
Công bằng mà nói, Hà Nội đã có sự đầu tư mạnh cho hệ thống thoát nước. Lý giải cùng bạn đọc qua mục “Góc nhìn thẳng” của báo VietnamNet, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng các đơn vị xây dựng kế hoạch để đảm bảo thoát nước, cũng như phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc đảm bảo thoát nước trên địa bàn.
“Với phương án và kế hoạch đảm bảo thoát nước mùa mưa năm 2016, chúng tôi đã xác định, với trận mưa 50-100mm thì Hà Nội sẽ xuất hiện 16 điểm úng ngập. Việc xuất hiện các điểm úng ngập này là không thể tránh khỏi” - ông Phong nói.
Trong khi đó, trận mưa đêm 24, rạng sáng 25/5/2016 với cường độ lớn, một số khu vực lượng mưa đạt trên 280mm trong vòng 5 giờ thì càng quá sức chịu đựng của hệ thống thoát nước.
Ông Phong cho biết thêm: “Đặc điểm của Hà Nội hiện nay chia thành 4 lưu vực, lưu vực sông Tô Lịch 77,7km2 đã được đầu tư cơ bản đồng bộ, còn các lưu vực khác như Tả Nhuệ, khu vực Hà Đông, Long Biên chưa được đầu tư thoát nước đồng bộ. Do vậy, kể cả ở khu vực sông Tô Lịch khi có mưa lớn thì vẫn xảy ra úng ngập cục bộ”.
Như thế, câu hỏi bao giờ Hà Nội hết ngập vẫn là câu hỏi khó.
Nhưng giải quyết vấn đề úng ngập thì không chỉ là trách nhiệm của riêng công ty thoát nước.
Một đô thị trong cuộc sống ngổn ngang, vật vã. Những ngôi nhà cao tầng đóng hộp chồng chất lên nhau. Trong quá trình đô thị hóa, hàng trăm cái hồ lớn nhỏ của Hà Nội bị san lấp hoặc gặm nhấm ngày ngày, mất dần cho đến khi chính quyền trở tay không kịp, sự đã rồi. Sông rạch bị bóp ngẹt dần, thậm chí biến mất theo đà đô thị hóa cấp tập, mặt đất bị bê-tông hóa...
Để rồi đầu tư vào hệ thống thoát nước vẫn như giải quyết phần ngọn khi cái gốc quy hoạch đã không đồng bộ với phát triển.
Khi sự đầu tư của nhà nước đã tới ngưỡng, cần phải trông chờ vào ý thức người dân. Nhưng hãy nhìn thói quen xả rác vô tội vạ với những cống thoát nước đầy rác không thể nói ý thức của phần đông là tốt. Với một thành phố mà khi có người đi dọn mương thối bỗng biến thành một sự kiện chấn động, thì thành phố còn ngập dài dài sau những trận mưa…
Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa
Tags