(TT&VH) - 1. Bây giờ, đời sống khấm khá, nhiều trò giải trí nên ít thấy những đứa trẻ giải trí bằng trò “Chơi ô ăn quan”. Các em ít biết đấy là trò chơi dân gian nhiều đời nay ở nước ta và vẫn thịnh hành cách đây khoảng hơn chục năm.
Chơi Ô ăn quan tại khu trò chơi dân gian - Nguồn: Tuổi Trẻ
Trò này thường có 2 người chơi, người này phải tìm cách “ăn hết” của người kia. Người thắng thường là những người giỏi tính toán hơn. Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan đã bị ăn hết. Nếu hai ô quan đã bị ăn hết nhưng vẫn còn dân thì dân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy. Tình huống ấy được gọi là "Hết quan, hoàn dân, thu quân, kéo về" có nơi còn gọi là "Hết quan, hoàn dân, thu quân, bán ruộng".
Tôi chắc rằng, trò này trẻ em ở Tiên Lãng, Hải Phòng cũng từng chơi, và cũng từng đọc câu đồng dao: "thu quân, bán ruộng".
2. Trò chơi trẻ con, nhưng ngẫm ra lại thấy thâm thúy. Từ những triết lý muôn đời “hết quan hoàn dân”, “quan nhất thời, dân vạn đại”, ông Lê Đăng Khoa một ông “quan” từng làm đến chức Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, một nhạc sĩ “tay trái” đã đưa vào âm nhạc. Bài hát “Hết quan hoàn dân” của ông vào chung kết năm “Bài hát Việt” năm 2007 và từng được giải thưởng của trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hẳn hoi.
Bài hát do ca sĩ Quang Hào thể hiện trên sân khấu VTV: “Ai cũng muốn làm dân, biết ai sẽ làm quan/ Vì làm quan đâu có dễ, làm quan sẽ khó đấy/ Việc trước việc sau nối nhau đấu tranh, tranh đấu. Nhưng ai cũng muốn làm quan biết ai sẽ làm dân/ Vì làm dân đâu có dễ, làm dân sẽ khó đấy/ Chân đất suốt ngày đầu trần quanh năm”.
Quan có thanh liêm và chính trực thì dân mới mến phục, tin yêu: “Làm quan thì không tham mà làm dân thì không gian…”.
3. Điều ông nhạc sĩ từng làm "quan” kho bạc tỉnh Thanh nhấn mạnh cũng là Ba điều châm quy của quan trường, đã được cụ Cao Bá Quát viết trong bài thơ: Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Hy Vĩnh lão khế (Tạm dịch là: Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, đồng thời gửi cho ông bạn già là Lê Hy Vĩnh).
Cụ viết: Ba điều châm quy của quan trường, đã được dán lên chỗ ngồi. Ấy chính là Thanh, Kiệm, Cần (Thanh liêm, Tiết kiệm và Cần cù).
Chỉ mấy câu thơ khuyên bạn của cụ mà thấy đầy đủ cái đạo làm quan ở đời, đó là: “Chính sách vì dân, hợp lòng dân, thì công việc sẽ hoàn toàn trôi chảy”. Cụ viết thế này (tạm dịch): Ai cũng muốn yên, đó là bản tính của mọi người/ Ta không nhiễu dân thì mọi việc xong xuôi cả.
4. Vừa rồi, một số “quan” huyện Tiên Lãng đã nhiễu dân. Điều này, chính Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã phát ngôn. Ông đã nêu rõ 5 vấn đề tồn tại trong vụ việc ông Đoàn Văn Vươn gồm: huyện Tiên Lãng không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi để công bố đối với người có đất bị thu hồi; không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi; không tổ chức đối thoại với người được giao đất bị thu hồi; sau cưỡng chế để xảy ra việc nhà trông đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy; việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm sát Tết đã gây phản ứng trong dư luận.
Như thế rõ ràng là nhiễu. Hơn thế, lại nhiễu trong ngày cuối năm giáp Tết.
Trong việc ông Vươn, một vụ việc liên quan đến bộ máy hành chính, hành pháp nhưng Thành ủy đã chủ trì họp báo, mà không phải do UBND TP chủ trì. Sau đó, là việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong vụ cưỡng chế. Đây là một tín hiệu tốt, rõ ràng để có thể thấy Hải Phòng đang thực hiện nghị quyết TƯ 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Nguyễn Gia
Tags