(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày nay, báo giới đang nhắc tới việc một nhóm ngư dân Thừa Thiên - Huế đến Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế để “đòi nợ” số tiền 10 triệu đồng. Kết quả, họ lại thất thểu ra về.
- 'Cuộc chiến' bảo vệ di tích, cổ vật ở Bắc Giang cần sự vào cuộc 'tổng lực'
- Chiêm ngưỡng 3 cổ vật quý hiếm lần đầu được mang ra đấu giá
- Người dân Bình Phước bất ngờ tìm thấy cổ vật thời tiền sử
Hãy ngược hành trình câu chuyện. Vào giữa tháng 5/2017, sau khi trục vớt một khẩu thần công cổ, nhóm ngư dân này đã thỏa thuận nhượng cho bảo tàng để nhận 20 triệu đồng.
Bảo tàng lúc ấy đưa trước 10 triệu đồng và hẹn sẽ trả 10 triệu còn lại sau khi hoàn tất thủ tục. Sau gần 6 tháng, đoạn kết ra sao mọi người đã rõ.
Những gì xảy ra có chút tương đồng với chuyện của 10 năm trước, cũng với Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế và cũng với... súng thần công.
Vào tháng 5/2007, một nhóm ngư dân Thừa Thiên- Huế từng trục vớt được chín khẩu thần công bằng đồng thời Chúa Nguyễn. Họ báo cho Bảo tàng này, và mấy hôm liền không nhận được câu trả lời. Cần tiền, những ngư dân đã bán năm khẩu cho một lái buôn.
Quá nóng ruột, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã chạy xe máy chở một vị phó giám đốc bảo tàng này về tận nơi, nhưng cán bộ này bảo, súng mới đúc và bỏ về. Ông Hoàng đi vay 100 triệu đồng mua lại súng, giá đồng nát của khoảng 1 tấn đồng - tổng khối lượng của bốn khẩu súng.
Sau khi thẩm định, kết quả những khẩu súng trên vô cùng quý hiếm, Trung tâm di tích Huế đã đặt vấn đề mua lại súng. Đúng lúc đó, Sở VH,TT&DL đã đến lập biên bản, ra quyết định tịch thu súng. Kế đó, thanh tra sở, đại diện chính quyền và công an ập đến đưa cả bốn khẩu súng về cho Bảo tàng Lịch sử và cách mạng lưu giữ. Không chỉ thu hồi, trong nhiều tháng liền ông Hoàng còn bị “hành” đủ thứ, vì tội mua bán cổ vật trái phép.
Dư luận và báo chí vào cuộc, Sở VH-TT&DL mới đồng ý bù tiền “theo giá đồng nát”, chưa đến 90 triệu đồng. Ông Hoàng chịu thiệt chừng 20 triệu đồng, chưa kể khoản lãi vay mượn.
Một năm sau đó, vào cuối 2008, những ngư dân thị trấn Thuận An lại tiếp tục phát hiện bốn khẩu thần công. Lần này, họ không báo chính quyền nữa, cột súng vào đáy ghe đưa vào bờ, chờ đến đêm đem lên đồi cát chôn giấu. Sau đó, đem cưa từng khúc... bán đồng nát.
Cả mới và cũ, những câu chuyện "súng ống" ấy làm chúng ta thấy chạnh lòng.
***
Năm 2014, một nhà khảo cổ học Scotland, ông Derek McLennan, đã khai quật được bộ sưu tập các cổ vật Viking quý hiếm. Ông đã giao lại cho Bộ quản lý tài sản Scotland (QLTR), tổ chức chuyên quản lý đồ vật và tài sản được tìm thấy mà không có chủ sở hữu. QLTR quyết định trao lại cho Bảo tàng Quốc gia Scotland để trưng bày. Bù lại, Bảo tàng trả cho ông McLennan gần 2,5 triệu USD (gần 60 tỷ đồng). Giám đốc bảo tàng, Tiến sĩ Gordon Rintoul cho biết ông "rất vui mừng" vì bảo tàng đã nhận được kho báu này và nói "để có được các cổ vật, chúng tôi có 6 tháng để gây quỹ”.
Tôi không rõ trong gần 60 tỷ tiền thưởng kia, bao nhiêu tiền do các Mạnh Thường Quân quyên góp, bao nhiêu của Bảo tàng Quốc gia Scotland. Nhưng, câu chuyện không hẳn nằm ở số tiền thưởng. Đó là văn hóa ứng xử rất nhân văn với cổ vật, và người phát hiện cổ vật, của đại diện chính quyền cũng như người dân Scotland.
Giống như, với câu chuyện "súng thần công" ở Huế, cũng không ai nghĩ Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế không có đủ số tiền 10 triệu để trả cho dân, hoặc cố ý chây ì. Có lẽ, nguyên nhân của sự chậm trễ ấy lại là một vấn đề muôn thủa: các thủ tục hành chính xơ cứng. Và xa hơn thế, họ chưa quen văn hóa ứng xử “phải đạo” với người dân phát hiện ra cổ vật.
Chắc chắn đấy không là câu chuyện riêng ở Thừa Thiên - Huế. Bởi nhiều lần, báo giới cũng đã nhắc tới việc các cơ quan chức năng đã để cho những người phát hiện cổ vật cảm thấy bị đối xử một cách trịch thượng, với thái độ vừa ban ơn, vừa dọa nạt.
Luật Di sản văn hóa đã có một số điều chỉnh, quy định mức thưởng với tổ chức, cá nhân có công và tự nguyện giao nộp cổ vật, bảo vật Quốc gia. Nhưng với những gì đang xảy ra, chúng ta đâu lạ, khi cổ vật ngày càng thất tán.
Hữu Quý
Tags