(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua (22/5), trong phần phụ lục Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đọc trước Quốc hội 9 địa phương có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà, đã được phát hiện là: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái và Đà Nẵng.
- Bổ nhiệm 'thừa' 23 cán bộ tại Thái Nguyên: Thủ tướng chỉ đạo kỷ luật, miễn nhiệm
- Kỷ luật cá nhân vi phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà
Việc các địa phương làm sai, ở một lĩnh vực rất nhạy cảm - công tác cán bộ - bị Chính phủ bêu tên, có lẽ rất nhiều người dân quan tâm, và hoan nghênh.
Bởi, việc bêu tên này có bóng dáng của cái gọi là khái niệm Chính phủ mở (Open Government), vốn thường được hiểu đơn giản chỉ là sự công khai trong hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng nay đã mở rộng nội hàm về chính quyền biết lắng nghe, tôn trọng tâm tư, nguyện vọng, luôn trăn trở làm những gì tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của người dân và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Văn hóa “một người làm quan, cả họ được nhờ”, vốn ăn sâu vào tâm thế của bao người, vốn chịu ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp với tổ chức bộ máy nhà nước lấy đơn vị làng xã làm nền tảng. Câu “Phép vua thua lệ làng” đã khái quát hệ lụy của tư tưởng đó.
Với thế giới ngày càng phẳng, nhu cầu biểu đạt của người dân trước thực trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, ngày càng cao, nên thời gian qua không ít phản ánh của người dân về việc “bổ nhiệm người nhà” trái quy định, sai quy trình, gây bức xúc trong xã hội, khiến chính quyền phải vào cuộc.
Có lẽ, nếu có thời gian điều tra kỹ hơn, tình trạng “bổ nhiệm người nhà” sai quy định, quy trình, không chỉ dừng lại ở con số 58 người và 9 địa phương.
Chúng ta đã biết, khi một tổ chức mà quá đông người nhà, thì rất dễ xảy ra tình trạng “cát cứ”, “lợi ích nhóm”, triệt tiêu nhân tài, đặt lợi ích sự phát triển của tập thể và cơ quan xuống thứ yếu.
Ngay khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai phóng lề thói tổ chức bộ máy hành chính cũ kĩ lạc hậu bằng một nền dân chủ mới, trọng dụng người có tài có đức ra phụng sự việc nước.
Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945, Người cảnh báo 6 lỗi lầm, trong đó cólỗi lầm thứ 4 mà các bậc công bộc đã và còn phạm lỗi với dân: “Tư túng – Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.
Từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã từng đặt ra chế độ hồi tỵ để xử lý nạn “một người làm qua cả họ được nhờ”, nạn bè phái, cát cứ, với một số nội dung cơ bản như không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó; Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó; Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng...
Vậy thì, một chính phủ minh bạch, vì dân cần phát huy những giá trị, tư tưởng tích cực của các bậc “minh quân” đã thực hiện trong lịch sử.
Vậy nên, mong ước của người dân là Chính phủ tiếp tục bêu tên các cá nhân, tổ chức, địa phương, Bộ, ngành..., vi phạm, không chỉ trong việc “bổ nhiệm người nhà”, mà thôi.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Tags