(Thethaovanhoa.vn) - 1. Ngày hôm qua, cư dân mạng truyền nhau clip hàng trăm học sinh một trường THPT tại TP.HCM đồng loạt xé đề cương ôn tập môn Lịch sử, rồi lên tầng 2 thả xuống trắng cả sân trường.
Trong clip, khi biết môn Lịch sử không thi tốt nghiệp, các em tập trung ra hành lang, hò hét và đồng loạt xé giấy thả xuống, kèm theo tiếng reo hò, cổ vũ.
Với học trò, dư luận cần khách quan và rộng lượng, có thể hiểu đây là một hành động bột phát tập thể của các em thời “nhất quỷ nhì ma”. Nhưng sau sự bột phát đó là một nỗi buồn rất lớn, của xã hội và của nền giáo dục. Liệu đã đến lúc phải rung chuông báo động thật sự cho việc dạy và học lịch sử vốn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Hay cứ nói dền dứ mãi rồi để đó?
Đề cương trắng xóa cả sân trường. Ảnh: Internet |
Trong hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào, lịch sử luôn là môn học bắt buộc và có vai trò quan trọng hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người và của cả dân tộc. Bác Hồ đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Vậy nhưng, tại sao môn Lịch sử lại trở thành 1 trong những môn học "đáng sợ" nhất của học sinh? Xét về logic tâm lý, có thể thấy, hành động xé và ném tung đề cương ôn thi là kết quả của một sự dồn nén cực độ. Trước khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, có thể hiểu rằng các em đã có một sự lắng, thậm chí sợ hãi nếu phải thi môn sử. Và khi danh sách thi tốt nghiệp “nói không” với môn sử, các em đã thể hiện sự ăn mừng theo cách thức đáng buồn đó. Thật cay đắng cho môn khoa học xã hội này.
2. Thực tế, việc có thi tốt nghiệp lịch sử hay không là việc rất bình thường theo cách chọn “xác suất” hiện nay của Bộ GD&ĐT. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, các môn thi tốt nghiệp hoàn toàn được bốc thăm xác xuất, không có sự can thiệp nào. Do vậy năm nay không có môn lịch sử trong danh sách thi cũng là bình thường.
Nhưng khổ nỗi, dư luận để ý bởi kết quả thi của môn này những năm gần đây, kể cả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lại quá bết bát, có những năm chứng kiến hàng nghìn điểm 0.
Sự khách quan của việc chọn xác suất các môn thi tốt nghiệp là tránh các trường học lệch, học tủ. Nhưng cách “bốc thăm” may rủi thể hiện chiến lược xây dựng chất lượng giáo dục đến đâu, khi một môn học có thể để thi, có thể không. Cuối cùng những môn không thi tốt nghiệp, (với các em không thi đại học môn đó) sẽ bị loại bỏ ngay lập tức và không thương tiếc.
Chúng ta đều biết câu "Nếu ai bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào họ bằng đại bác". Không thể nói các em học sinh đã cầm súng lục… vậy lỗi của ai?
Theo thông tin từ các báo, sau khi hành động này diễn ra, lãnh đạo trường học đã yêu cầu tất cả các em học sinh xé giấy phải dọn sạch. Vâng, các em học sinh có thể quét sạch sân trường, nhưng để quét sạch nỗi buồn để lại trong cách ứng xử của các em với môn lịch sử, thì không thể.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa