(Thethaovanhoa.vn) - Việc mới đây thành phố Bruges của Bỉ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2000 nói “không” với khách du lịch đã nối dài các di tích, thành phố của châu Âu hạn chế khách du lịch.
Được biết đến như là một điểm dừng trong các tour du lịch lớn đi khắp châu Âu, khu vực trung tâm thành phố đã được đưa vào danh sách Di sản thế giới cho "một điển hình nổi bật khắc họa khu dân cư lịch sử thời trung cổ", thị trấn Bruges cũng bắt đầu gặp không ít phiền toái. Việc có quá nhiều du khách kéo đến không những làm đảo lộn cuộc sống vốn yên bình ở đây mà điều đáng lo hơn, làm cho di sản thế giới với hàng trăm năm tuổi có nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng.
Và để bảo tồn di sản này, chính quyền Bruges quyết hạn chế du khách xuống mức thấp nhất có thể. Ngay cả việc quảng bá thành phố này trên các phương tiện truyền thông cũng bị cấm. Chính quyền thành phố Bruges cũng thừa biết rằng những động thái nói trên đồng nghĩa với việc thành phố sẽ mất đi một nguồn doanh thu lớn. Biết vậy, nhưng không thể không làm.
Chẳng lẽ qua rồi cái thời di sản và du lịch nương nhờ vào nhau? Thực ra vẫn thế. Theo bà Now Yahashi, chuyên gia Quản lý di sản, Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, du khách đến sẽ mang theo nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương; đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế- xã hội, tạo việc làm, cải thiện môi trường tự nhiên xung quanh. Song phát triển kinh tế du lịch phải bảo đảm tính bền vững, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.
Các di sản thế giới phải định lượng sức chứa, đón du khách tham quan do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới thiết lập; cần có phân tích chính xác về khả năng đáp ứng của di sản; xác định những thay đổi có thể chấp nhận được, đưa ra chỉ số cảnh báo, từ đó xác định mục tiêu quản lý di sản một cách khoa học.
Đúng vậy. Đó là hai mặt của một vấn đề, không nên quá cực đoan đoạn tuyệt với nhau, nhưng cũng không thể làm du lịch mà bất chấp tất cả. Hài hòa và bền vững, đó là phương châm của quan hệ cộng sinh di sản và du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Theo Báo Văn hóa
Tags