“Quê hương Khánh Sơn của em là huyện miền núi thuộc tỉnh Khánh Hòa, cuộc sống của người dân rất vất vả, địa hình cản trở, giao thông đi lại khó khăn. Em mơ ước đường lên Khánh Sơn có cáp treo giúp đi lại dễ dàng và không phải lo sợ vào mùa mưa lũ. Em mong ý tưởng này được đầu tư để thành hiện thực, giúp quê em phát triển tiềm năng du lịch, ở đây có cảnh đẹp, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ”- Thảo My (8 tuổi) thuyết trình ý tưởng “Cáp treo chạy bằng năng lượng gió và mặt trời” khi tham gia cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ 2012”, tháng 8 tại Hà Nội.
Mới học lớp 3, cô bé đã nghĩ về con đường phát triển kinh tế cho địa phương, một con đường thời thượng: du lịch. Dù có một thực tế khắc nghiệt là, du lịch không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần hủy hoại
môi trường.
Một cuộc thi như “Ý tưởng trẻ thơ” cho thấy trẻ em Việt Nam đang nghĩ gì và mong muốn gì. Chiếm số lượng lớn là những ý tưởng bảo vệ an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, chứng tỏ đây là hai chủ đề trẻ em quan tâm nhất hiện nay. Đó cũng là hai chủ đề nóng trong xã hội và trên mặt báo, chứng tỏ các em vừa quan sát cuộc sống đời thường vừa theo dõi thời sự.
Nhóm các em Khánh Linh - Lan Phương - Hồng Hà (lớp 4, Hà Nội) lại quan tâm đến thời sự thế giới. Vốn mơ ước làm phi công và tiếp viên hàng không, các em lo lắng vì những tai nạn máy bay gần đây ở Nga và Ba Lan nên nghĩ ra ý tưởng về một sân bay cứu hộ di động, gắn tên lửa, có thể đến đón máy bay gặp nạn ở bất cứ nơi nào để cứu hành khách và phi hành đoàn thoát khỏi cái chết.
Thuyết trình ý tưởng, Lan Phương, 9 tuổi, gây ấn tượng khi nói rành rọt tên chiếc máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga rơi xuống một sườn núi ở Indonesia hồi tháng 5-2012, cùng tên cơ trưởng Alexander Yablontsev và các thông tin cơ bản về vụ tai nạn.
Khi Phương thuyết minh về những bức ảnh chụp cơ trưởng và phi hành đoàn trước khi cất cánh, có vẻ cô bé đã phần nào cảm nhận nỗi đau đằng sau đó.
Rằng đây là hình ảnh cuối cùng, rất tươi tắn, của những con người sẽ chết một cách thảm khốc vài chục phút sau đó. Cô bé và các bạn hiểu nỗi mất mát đó (dù có lẽ không đủ thấu đáo) và mong muốn nó không lặp lại.
Trẻ em quan tâm đến những điều gần gũi trong cuộc sống, vừa có thể quan tâm đến những thứ rất xa vời, hoặc cũng có thể rất sâu sắc. Cách nghĩ “trẻ em là phải hồn nhiên” hình như áp đặt quá chăng? Và… đánh giá thấp các em chăng?
Mỗi khi than phiền về sự già trước tuổi của trẻ con ngày nay, người ta hay nói “Hãy để trẻ con sống đúng tuổi”, nhưng biết đâu các em thực sự đang sống đúng tuổi? Cùng một độ tuổi nhưng khác về thời đại, ngày xưa bố mẹ nghĩ khác, bây giờ con cái họ nghĩ khác.
Nhận thức của các em về cuộc sống đến từ mạng internet, truyền hình hoặc trường học, không phải từ đồng ruộng, góc sân hay khoảng trời.
Những bài hát đầu tiên các em nghe có khi phát ra từ dàn nghe nhạc hoặc máy vi tính, không nhất thiết phải là lời ru
của mẹ…
Suy nghĩ của đứa trẻ là sự phản chiếu chính xác môi trường sống của nó. Sự thực là người ta chết hàng ngày vì tai nạn giao thông và phá hoại môi trường. Sự thực là ở nhiều nơi cuộc sống khốn khó đến mức người ta chẳng nghĩ được gì hơn.
Đừng trách các em già trước tuổi, hãy trách những người lớn đã tạo ra một môi trường sống đầy rẫy điều đáng phải lo âu.
Theo Tiền phong