(Thethaovanhoa.vn) - “Lái xe như con người” - cộng đồng mạng đã đồng loạt đổi ảnh bìa facebook bằng khẩu hiệu đó sau vụ xe Camry đâm chết 3 người ở phố Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội. Một khẩu hiệu phản ánh sự tức giận của cộng đồng mạng đối với thủ phạm gây ra vụ tai nạn này.
- Khởi tố điều tra vụ lái xe Camry gây tai nạn khiến 3 người tử vong
- Hà Nội: Xe Carmy mất lái, đâm liên tiếp 3 xe máy, 1 ô tô, 3 người tử vong
Có quá nhiều tình tiết trong vụ tai nạn này làm 3 người thiệt mạng khiến dư luận dậy sóng…
Vâng, phẫn nộ không chỉ bởi mức độ sốc khi xem lại các clip hiện trường, mặc dù ai cũng phải rùng mình khi chứng kiến cảnh chiếc ô tô lấn làn, lao như con trâu điên trên đường, “càn lướt” và hất tung những con người vô tội lên trời. Dư luận còn dậy sóng vì đối tượng Nguyễn Quang Vinh tự nhận đã uống rượu trước khi lên xe và không có bằng lái.
Hy vọng rằng với những kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, và với việc xử phạt nghiêm minh đối tượng không chấp hành luật lệ giao thông, gây tai nạn nghiêm trọng, dư luận sẽ yên lòng.
Vấn đề còn lại, hãy lái xe như thế nào?
Ngay trong ngày 29/2, dư luận còn phải chứng kiến những tai nạn kinh hoàng khác: hai ô tô đâm nhau nhau 4 người chết, 3 người bị thương ở Hà Giang hay xe tải cán chết nữ sinh trên đường đến trường.
Xét cho cùng hai tai nạn kể trên cũng không phải là quá... bất thường, khi thống kê cho thấy trung bình mỗi ngày có tới 20-30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, chưa kể số người bị thương khoảng gấp đôi gấp ba số đó. Cái chết nào cũng thương tâm.
Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta không thể giải quyết các tai nạn thương tâm chỉ bằng sự tức giận, phẫn nộ, nhất là khi tai nạn giao thông không loại trừ một ai, và ở chiều ngược lại, bất kỳ người điều khiển giao thông nào cũng có thể là thủ phạm gây tai nạn. Cho dù có kỹ năng lái xe và ý thức chấp hành luật lệ giao thông đến đâu thì với điều kiện giao thông như hiện nay, không ai dám chắc là mình không bao giờ để xảy ra một vụ va quệt nào đó và lãnh hậu quả ở các mức độ khác nhau.
“Lái xe như con người”, nhưng còn hơn thế. Tôi rất tâm đắc với slogan của VOV Giao thông “Phía trước là sự sống. Hãy lái xe bằng cả trái tim”.
Càng những người tự tin vào tay lái của mình (độ chính xác trong căn chỉnh, cua, vượt...), thậm chí càng những lái già lại càng dễ “dính chưởng” trong tai nạn. Lỗi nhầm chân phanh và chân ga có thể không loại trừ bất kỳ ai, dù các xe hơi có hiện đại đến đâu. Nó như một “lời nguyền” treo lơ lửng.
Kỹ thuật không thể giải quyết được tuyệt đối mọi vấn đề. Chưa kể, trong điều kiện giao thông hiện nay thì lái xe đúng luật thôi chưa đủ, mà lái xe còn phải tỉnh táo để phản ứng kịp thời với những chiếc xe không đúng luật khác, có thể gây tai nạn cho mình và cho chính họ.
Bởi thế, hãy lái xe bằng cả trái tim, chứ không chỉ lái xe bằng kỹ năng, kỹ xảo. Phía trước là sự sống chứ không phải là cuộc chiến giành đường với cái đích cần phải đến.
Khi lái xe bằng tất cả trái tim, và hiểu rằng phía trước là sự sống mà bất kỳ một sai sót nào cũng có thể tước đi sự sống đó, thì chúng ta không bao giờ được phép dù chỉ một phút giây thờ ơ, vô cảm trên suốt quãng đường và trên mọi nẻo đường.
Lái xe cũng góp phần tạo nên một thứ, gọi là văn hóa giao thông, thông qua việc nhường đường, bấm còi một cách có văn hóa... Khi lái xe bằng cả trái tim, chúng ta cũng không vô cảm với các tình huống trên đường, đặc biệt là thấy tai nạn mà không cứu. Qua những chia sẻ trên facebook cho thấy, dường như trong vụ xe Camry đâm 3 người kể trên, còn có một sự thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh trong việc cứu giúp cháu bé nạn nhân...
Có thể không ai nghi ngờ bạn là người tốt, người có ý thức. Nhưng mỗi khi lên xe, rất mong tất cả chúng ta hãy tự nhắc mình một lần nữa “Phía trước là sự sống. Hãy lái xe bằng tất cả trái tim”.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Tags