(Thethaovanhoa.vn) - Không lâu sau khi Bảo tàng Áo dài đầu tiên ở Việt Nam khai trương, Lễ hội áo dài TP.HCM lần đầu tiên cũng vừa diễn ra tại KDL Đầm Sen, có thể xem như những nỗ lực trong việc quảng bá một trang phục đã thành biểu tượng của Việt Nam.
Truyền thống là truyền thống nào?
Theo các sử liệu để lại còn khá rõ ràng thì áo dài Việt Nam ngày nay (nhận diện căn bản qua các nữ sinh thường mặc) là câu chuyện của những nhà cách tân trang phục đầu thập niên 1930, trong đó có họa sĩ Cát Tường (bút danh Lemur Cát Tường, 1912 - 1946), nhóm Tự Lực văn đoàn và họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001).
Trên tờ Phong hóa (số ra ngày 23/2/1934) và cả tuần báo Ngày nay (ngày 13/11/1936), Cát Tường in bài Y phục phụ nữ, có thể xem là tuyên ngôn về canh tân áo dài và trang phục Việt Nam (vì họa sĩ này còn vẽ mẫu cho nhiều trang phục khác). Trong này có mấy đoạn đáng chú ý, đầu tiên là về quan niệm: “Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của nước họ ta cũng đủ hiểu”.
Tiếp theo là hướng triển khai trong việc thiết kế: “Bộ áo của các bạn gái rồi đây phải ra thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân mình mỗi bạn, sau nữa, nó phải gọn gàng giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật, lịch sự. Nhưng dù thế nào nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi lầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn..., mà cả nước Lô Lô nữa, nếu đó cũng là một nước”.
Cho nên, khi tiếp cận với khái niệm, kiểu như “lễ hội áo dài nhằm tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và vẻ đẹp tinh túy của chiếc áo dài - trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam”, cần phải nghĩ lại hai chữ “truyền thống”. Có những truyền thống lâu đời đến hàng ngàn năm, hàng trăm năm, nhưng cũng có những truyền thống chỉ chừng một thế kỷ (ví dụ đạo Cao Đài, Hòa Hảo, đờn ca tài tử, tranh kiếng Nam Bộ, cải lương, phở, áo dài…), thậm chí chỉ vài chục năm (ví dụ ca khúc truyền thống cách mạng, bia truyền thống…). Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, một câu chuyện khởi đi từ đầu thế kỷ 20, chứ không phải đồng hành với mấy ngàn năm dựng nước.
Công bằng mà nói, chỉ cần vài chục năm mà việc lăng-xê áo dài (kiểu của Cát Tường, Lê Phổ…) trở thành trang phục khá phổ biến (trong nhà trường, công sở, lễ tiệc, Tết…), quả là thành công vượt bậc. Tuy truyền thống của nó ngắn hơn rất nhiều, nhưng ngày nay áo dài lại nổi tiếng hơn, nếu so với áo tứ thân, áo ngũ thân, áo bà ba, yếm, áo gấm, nón lá, khăn đóng... của Việt Nam.
Thách thức chung
Theo thống kê sơ bộ của UNESCO về gìn giữ trang phục truyền thống, từ cấp độ quốc gia, châu Âu hiện còn khoảng 25 nước, châu Phi còn gần 20 nước, châu Á còn 20 nước, châu Mỹ còn 15 nước, Trung Đông còn 6 nước… Trong khu vực châu Á, riêng Đông Nam Á và Thái Bình Dương còn 10 nước và vùng lãnh thổ giữ được. Đặc điểm chung là các nước này đang phải gióng lên hồi chuông về việc gìn giữ, lăng-xê, bởi bối cảnh “đồng phục” của toàn cầu hóa đang xâm thực nhanh chóng, khiến cho việc mặc trang phục truyền thống gặp thách thức rất lớn.
Một đất nước được xem là hình mẫu trong việc hiện đại hóa cao độ mà vẫn giữ được truyền thống xa xưa là Nhật Bản cũng gặp khá nhiều khó khăn với kimono (dành cho nữ và nam) của họ. Trong chuyên luận Kimono và Nhật Bản (công bố năm 2009) nhà nghiên cứu Jeffrey Hays cho biết: “Trong một khảo sát, 70% phụ nữ trẻ khi được hỏi nói rằng họ quan tâm đến việc mặc một bộ kimono, nhưng ít người thực sự có thời gian để làm điều đó”.
Còn trên tờ The Telegraph hồi tháng 10/2010, trong bài phóng sự Nghệ thuật thủ công kimono ở Nhật đang chết (Kimono Making In Japan Is A Dying Art), Danielle Demetriou dẫn lời chuyên gia Soichi Sajiki (thuộc gia đình có kinh nghiệm hơn 200 năm về chế tác kimono): “Ngành công nghiệp kimono của Nhật đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm cách truyền nghề thủ công quý giá cho thế hệ sau. Từ cái kén tơ để làm tơ cho đến sản phẩm hoàn chỉnh, kimono có hơn 1.000 công đoạn, mà mỗi công đoạn thường thực hiện bởi thợ thủ công chuyên biệt. Nó có thể mất 40 năm để làm chủ một kỹ thuật duy nhất… Hầu hết thợ thủ công ngày nay đang trên 80 tuổi và trong vòng 10 năm tới, nhiều người sẽ qua đời”.
Chính vì vậy mà một kimono hoàn hảo kèm phụ kiện (nhất là của phụ nữ) có giá thành trung bình rất cao, từ 10 ngàn đến 100 ngàn USD, giá thuê cũng ở mức 2 ngàn USD/ngày, khiến nhiều người không có tiền để mặc. Từ năm 1990 đến năm 1998, doanh thu từ việc bán kimono giảm 30%; riêng năm 1998, trung bình có hai công ty kimono bị phá sản mỗi tháng. Nhìn ở khía cạnh này, áo dài Việt Nam có nhiều cơ hội và cơ may hơn, khi việc may đo chỉ cần tối thiểu một người, mà giá thành thì khá dễ chịu.
Hàn Quốc cũng gặp khó khăn tương tự, Trung tâm Chấn hưng hanbok (thuộc cấp Bộ) của họ đầu tư khá nhiều công sức để nghiên cứu và phát triển hanbok. Cũng như Nhật, bên cạnh cách chế tác truyền thống, họ còn canh tân cách may và giảm giá thành sản phẩm để nhiều người có thể sở hữu, hoặc mua sắm bộ mới. Bên cạnh đó là các lễ hội, các sự kiện khích lệ việc mặc.
Nếu nhìn vào khía cạnh canh tân kimono hay hanbok trong khoảng 20 năm qua, việc mà Cát Tường, Tự Lực văn đoàn, Lê Phổ làm với áo dài đầu thập niên 1930 quả là tiền phong. Nếu thiếu sự canh tân này thì khó có được việc hàng chục triệu nữ sinh đã, đang và sẽ lần lượt mặc áo dài, bên cạnh đó là việc phổ biến áo dài ở lễ hội, công sở, cưới hỏi, ngày Tết… Thế nhưng, trong khi tại nhiều vùng nông thôn, nữ sinh vẫn mặc áo dài các ngày trong tuần, thì tại các thành phố lớn (ví dụ TP.HCM, Hà Nội), nhiều trường chỉ mặc một ngày trong tuần, thậm chí trong tháng.
Rõ ràng đời sống đô thị, thao tác công nghiệp, làn sóng toàn cầu hóa, cùng sự khắc nghiệt của thời tiết (đang leo thang) khiến cho việc mặc áo dài thường xuyên gặp khá nhiều khó khăn. Đây gần như là một quy luật xuôi chiều (kiểu như đô thị hóa nông thôn, chứ hiếm khi nông thôn hóa đô thị), nên bảo tàng áo dài, lễ hội áo dài, cuộc thi áo dài… sẽ trở thành những sự kiện bên lề cuộc sống, có sức gìn giữ, bảo tồn, nhưng khó lan tỏa theo kiểu ứng dụng hàng ngày.
Nhân Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 1/2014, ông Lã Quốc Khánh (Phó giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM) cho biết: “Năm 2015, chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Để dịp lễ đặc biệt này thêm tưng bừng, ý nghĩa, Lễ hội Áo dài 2015 sẽ được thiết kế quy mô hơn, ấn tượng hơn. Khi đó chúng ta có thể hy vọng rằng, TP.HCM có thêm một tên gọi thật trìu mến, thân thương: Thành phố áo dài”. Đây là một nỗ lực rất lớn của thành phố đông dân nhất nước, hy vọng sẽ thành công để Việt Nam có được lễ hội áo dài thực thụ, giống như Brazil với lễ hội baiana, Nhật với kimono, Hàn Quốc với hanbok…
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags