(Thethaovanhoa.vn) - Hơn một thập kỷ, ước vọng thiết lập một cột mốc Km0 tại Hồ Gươm luôn được giới chuyên môn và người dân Hà Nội trông đợi. Để rồi, được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, cuộc thi thiết kế cột mốc Km0 chính là bước ngoặt để gỡ bỏ “nút thắt” trong câu chuyện này.
Cuộc thi do UBND quận Hoàn Kiếm giao Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến sư Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra trong hơn 1 tháng và chọn được 3 giải Nhất, Nhì, Ba cùng 2 giải Khuyến khích.
1. Thực tế, mốc Km0 là kiến trúc phổ biến tại nhiều thành phố trên thế giới. Vắn tắt, đó là điểm trung tâm của đô thị, tạo ra mạng lưới trắc đạc để tính khoảng cách tới các vị trí trong thành phố hoặc hệ đô thị xung quanh. Và từ tính chất của một tiêu điểm về địa lý và hành chính, các mốc số 0 khi được xây dựng đã trở thành những điểm du lịch đặc biệt mà bất cứ du khách nào cũng muốn ghé thăm khi qua thành phố, như các trường hợp tại Paris (Pháp), Athens (Hy Lạp), hay Moscow (Nga).
Tại Hà Nội, ý tưởng dựng mốc Km0 - vừa như một công trình mang tính biểu tượng, vừa như một tác phẩm nghệ thuật công cộng hài hòa với không gian và cảnh quan quanh hồ Hoàn Kiếm, vốn là không gian văn hóa lịch sử lâu đời nhất của thành phố, đã được đặt ra từ khá lâu.
Sớm nhất, như chia sẻ của ông Cao Xuân Hưởng (nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN), trong một cuộc thi về quy hoạch không gian quanh Hồ Gươm vào giữa thập niên 1990, đồ án được giải của các chuyên gia trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã từng đề xuất dựng một mốc Km0 trong khuôn viên Nhà khách Chính phủ (phố Lê Thạch).Tiếp đó, vào dịp trước Đại lễ ngàn năm Thăng Long (năm 2010), một nhà nghiên cứu cũng đã gửi thư đề xuất ý tưởng này lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ dư luận.
Tuy nhiên, nếu xét tới những giá trị đặc thù và cả sự “nhạy cảm” đặc biệt của kiến trúc cũ tại Hồ Gươm, ý tưởng này luôn gắn kèm những bài toán khó. Chẳng hạn, về mặt vị trí, mốc Km0 cần chọn được vị trí thuận lợi về góc nhìn và khả năng tiếp cận của du khách, đồng thời cũng là vị trí đặc thù gắn với lịch sử Hồ Gươm. Do vậy, đã có nhiều phương án được đề xuất: Ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, phía trước nhà Bưu điện, hay tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi có đài phun nước cũ.
Ngoài ra, thiết kế của mốc số 0 cũng đặt ra những lựa chọn giữ dạng đứng (xây nổi trên mặt đất) và nằm (xây chìm, thường ở dạng một phù điêu hoặc mảnh ghép trên vỉa hè hoặc quảng trường). Mỗi phương án này đều có những ưu nhược điểm riêng để tranh luận và lựa chọn.
Chính bởi vậy, mốc Km0 tại Hồ Gươm vẫn “nằm chờ” trong nhiều năm, ngay cả khi công trình này được quy hoạch để trở thành một hạng mục trong Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, được Thành phố đưa ra vào năm 2018.
Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tế, cũng như nguyện vọng của cộng đồng người dân Hà Nội, câu chuyện này cũng tới lúc đi theo lộ trình của mình. Tháng 5 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã chính thức giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai hạng mục xây dựng cột mốc Km0 tại Hà Nội. Chỉ 1 tháng sau đó, cuộc thi lập tức được tổ chức, với cái đích nhằm tìm kiếm giải pháp thiết kế tốt nhất để triển khai xây dựng cột mốc Km0, đưa công trình này thành một biểu tượng văn hóa của Thủ đô, một điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Điều đáng nói, thành phần Hội đồng giám khảo của cuộc thi này có đủ các chuyên gia đến từ các lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, bảo tồn, lịch sử... - một sự cẩn trọng và khoa học cần thiết đối với một công trình vốn rất được đợi chờ.
2. Bản thân các bài dự thi thiết kế Km0 cũng là một câu chuyện đặc biệt về sự đa dạng trong sáng tạo, và cả trong cách mà cộng đồng dành sự chú ý cho công trình này.
Trong hơn 1 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút 105 tác giả, nhóm tác giả thuộc mọi thành phần. Họ đến từ mọi tỉnh thành và trải rộng về độ tuổi, trong đó có cả những sinh viên năm đầu hoặc những người đã tới ngưỡng tuổi 80. Như lời GS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN), điều ấy đã cho thấy: Km0 đã không còn là câu chuyện riêng của người Hà Nội, mà gắn với sự nhiệt huyết và quan tâm của cộng đồng tại mọi tỉnh thành.
Về vị trí đặt Km0, các bài thi cũng cho thấy sự đa dạng và rộng khắp theo 4 lựa chọn được định hướng tại cuộc thi. Cụ thể, vị trí 1 (khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay) có 44 phương án đăng ký. Vị trí 2 (phía bên Bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ) có 18 phương án đăng ký. Vị trí 3 (sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ) có 21 phương án đăng ký. Và vị trí 4 (người dự thi tự đề xuất, có 22 phương án đăng ký.
Trong số này, phương án giành giải nhất thuộc về nhóm tác giả Phạm Trung Hiếu, Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh, Phạm Huy Đông, Nguyễn Đăng Hải (ĐH Kiến trúc Hà Nội). Có tên “Cổng ánh sáng”, Km0 được thiết kế chìm dưới mặt đất, và nằm tại vị trí trước quảng trường Lý Thái Tổ. Gắn với triết lý trời tròn - đất vuông truyền thống, thiết kế có hình dạng một tấm đồng hình vuông đúc nguyên khối với kích thước hơn 2 mét mỗi cạnh. Phần tâm điểm của hình vuông ấy là hình tròn lắp kính cường lực, từ đó tỏa đi các đường gờ rãnh bao quanh, với tổng số 62 gờ nổi và rãnh chìm để kết hợp cùng nó tạo ra con số 62 + 1 = 63 tỉnh, thành cả nước.
Điểm nổi trội của phương án là việc áp dụng công nghệ 3D Hologram tại hộp kỹ thuật được đặt dưới tấm đồng. Vào ban ngày, từ máy chiếu, phần hình tròn trung tâm sẽ có thể xuất hiện các hình Khuê Văn Các hay hình bản đồ Việt Nam. Vào ban đêm, khoảng không gian phía trên mốc sẽ được dùng máy chiếu để tạo ra các hình phù điêu, chỉ số địa lý... tùy theo các sự kiện cụ thể để tăng sự tương tác với người xem. Và, từ cột mốc số 0 này nhìn về tượng Lý Thái Tổ, tháp Rùa hay Hồ Gươm qua lớp ánh sáng được bố trí, du khách sẽ có cảm giác như thấy một lát cắt thời gian của quá khứ...
Như nhận xét từ giới chuyên môn, đây là phương án độc đáo, thể hiện tính bền vững, gần gũi và khả thi; có ngôn ngữ tạo hình hiện đại, tối giản nhưng tinh tế phù hợp với không gian xung quanh, tạo ra chiếu sáng phong phú để tăng thêm ý nghĩa và hiệu quả thị giác cho cột mốc.
Dù vậy, 2 phương án được giải Nhì và Ba tại cuộc thi cũng rất độc đáo. Theo đó, đồ án giành giải Nhì chọn đặt cột mốc ở góc đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng dưới dạng một đường tròn, trên đó có họa tiết trống đồng và các vạch mốc tỏa ra các hướng, dẫn về những tỉnh thành khác. Điểm mạnh của phương án này là sự đơn giản mạch lạc, ngôn ngữ hiện đại có tính biểu đạt, biết tận dụng một kết cấu giản dị để tạo điểm nhấn rõ ràng giữa một không gian có những góc nhìn rất đẹp bao lấy toàn bộ Hồ Gươm.
Trong khi đó, phương án giành giải Ba lại có một ý tưởng vừa táo bạo, vừa đậm chất lãng mạn khi chọn một... góc nhỏ Hồ Gươm làm cột mốc số 0, với việc tạo ra một hình tròn trên mặt nước. Như lời Hội đồng giám khảo, dù khó khả thi vì sử dụng mặt nước Hồ Gươm, nhưng đây là cách tạo hình mới mẻ, thể hiện tính thời đại với tinh thần thiết kế để hòa hợp với cảnh quan rất đáng trân trọng...
Đáng nói, bên cạnh giải Nhất của nhóm giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội; giải Ba cuộc thi thuộc về một KTS đang hành nghề; còn tác giả giành giải Nhì là một sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học. Như lời GS Nguyễn Quốc Thông, 3 tác giả và nhóm tác giả ấy cũng chính là 3 đại diện cho lực lượng những người đang theo đuổi nghề kiến trúc hiện nay, để tạo dựng một mốc Km0 bằng sáng tạo của mình.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Cuộc thi thu hút đông đảo bài tham dự, điều này thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng đối với công trình cột mốc Km0. UBND quận Hoàn Kiếm sẽ cố gắng nghiên cứu để có thể sớm đưa công trình vào xây dựng trong thời gian tới”.
Cúc Đường
Tags