Nghĩ về lời xin lỗi của vị GS Mỹ đoạt giải Pulitzer

Thứ Hai, 18/02/2013 08:15 GMT+7

Google News

Vị giáo sư đang “nổi như cồn” Joel Brinkley, hiện giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford (Mỹ) đã lên tiếng xin lỗi trước làn sóng chỉ trích dữ dội của độc giả trong lẫn ngoài nước nhắm vào bài viết chứa đựng nhiều thông tin sai lệch về Việt Nam của ông.



  Nhiều người phản ứng gay gắt với bài báo

Trong bài viết gây tranh cãi của mình (Dù ngày càng thịnh vượng, thú ẩm thực ở Việt Nam vẫn khác thường) đăng tải cuối tháng 1/2013 trên tờ Chicago Tribune (Mỹ), GS Joel Brinkley tạo cho người đọc cảm giác người VN dường như đã ăn thịt hết mọi loài động vật hoang dã.

Cựu phóng viên tờ New York Times quy kết Việt Nam là “một quốc gia hung hăng” do đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt chiều dài lịch sử của mình.

Giáo sư từng đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer sau đó đã biện giải rằng tính cách “hung hăng” của người Việt là do họ thích ăn thịt, đặc biệt là thịt chó, thịt chuột và chim chóc.

Ngay lập tức, bài bình luận này đã làm “dậy sóng” trên các diễn đàn mạng toàn cầu.

Nhiều người chỉ trích bài báo đã nói quá việc ăn thịt động vật tại Việt Nam, “thiếu thông tin và đầy cảm tính“ và vị giáo sư Brinkley quá “hồ đồ, trịch thượng và phân biệt chủng tộc“. Cộng đồng mạng kêu gọi ký vào một lá đơn yêu cầu Đại học Stanford, Hoa Kỳ, sa thải vị giáo sư vì đã phỉ báng người dân Việt Nam.

Trước phản ứng mạnh mẽ của bạn đọc, tờ Chicago Tribune phải cho đăng một thông báo thừa nhận bài viết của GS Joel Brinkley “không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí của chúng tôi” và “các bước biên tập cần thiết đã không được tuân thủ” dù rằng “chúng tôi có cả một quá trình biên tập tin bài cẩn thận”.

Vị Giáo sư Mỹ đã lên tiếng xin lỗi về bài viết sai sót của mình. Trước sức ép của làn sóng phê phán mạnh mẽ, Giáo sư đã nhận lỗi về những lập luận chưa đúng (ăn thịt khiến người ta trở nên hung hăng hơn) và nếu có cơ hội thì sẽ sửa nội dung về thói quen ăn thịt và tính hung hăng.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: "Tôi biết chuyện ăn thịt động vật hoang dã không phải là một thói quen phổ biến khắp VN, nhưng tôi biết rõ những gì tôi đã tận mắt chứng kiến từ những người mà tôi đã trò chuyện. Tôi đi cùng với vài người và tất cả chúng tôi đều có cùng nhận xét như nhau".

Thực tế đó cho thấy dù Giáo sư Mỹ đã xin lỗi vì xúc phạm người Việt và ông không nói rõ cơ sở khoa học nhưng kết luận của vị Giáo sư này rất đáng để suy nghĩ.

Trên thực tế, cái sự ăn uống của nhiều người Việt rất đa dạng và phong phú. Từ những loài động vật hoang dã đến những thú nuôi cưng chiều. Ngay cả các loài vật thân thiết, đáng yêu cũng có thể lên bàn ăn, trở thành thứ dinh dưỡng được ưa thích. Mèo, bồ câu, thỏ..., con nào cũng thành đặc sản.

Ở Việt Nam, không khó khăn gì để kiếm các quán thịt chó. Thịt chó lại là món đặc sản rất được ưa chuộng. Thịt chó là loại thịt được tiêu thụ nhiều thứ 4 ở Việt Nam sau thịt lợn, bò và gia cầm. Bên cạnh đó thì thịt mèo, khỉ, chim...cũng được người Việt rất ưa chuộng.

Bài báo đã nói quá việc ăn thịt động vật hoang dã tại Việt Nam và nó đã động tới tâm lý nhạy cảm cố hữu được gọi bằng cái tên 'trái tai' hay 'thuốc đắng' của chúng ta. Văn hóa ứng xử tự nó bộc lộ bản lĩnh và phẩm chất của người đối thoại và nguyên tắc của đối thoại phải là nghe để hiểu xem người đang đối thoại với chúng ta nói gì. Có thể cách đối thoại của vị giáo sư người Mỹ là trịnh thượng và thiếu cơ sở khoa học thực nghiệm nhưng sự đáp trả, nếu có, cũng cùng một giọng điệu và phương pháp y như thế thì tự nó đã chứng minh chỉ một kết quả!

Dù dẫn luận của đối phương có sai lạc, nhưng hiện tượng mà đối phương đề cập đến cần phải được tư duy thấu đáo, điều này chỉ tốt và nâng cao bản lĩnh ứng xử cho chính chúng ta mà thôi.

Theo Mai Nguyên
Đất Việt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›