(Thethaovanhoa.vn) - Người Mỹ ngày càng không thích hàng sản xuất ở Trung Quốc, nên không chỉ còn tranh luận “giá rẻ có phải lúc nào cũng tốt” mà bắt đầu có những quyết định thực tế.
Hai công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm cho thú nuôi trong nhà ở Mỹ là PetSmart và Petco mới tuyên bố họ sẽ không bán đồ ăn cho chó và mèo làm từ Trung Quốc. Cả hai sẽ chỉ bán các sản phẩm sản xuất trong nước “Made in USA”.
Việc có khoảng 1.000 chú chó cưng bị chết vì những loại đồ ăn độc hại cùng với khoảng 4.800 đơn phàn nàn gửi Hiệp hội Thức ăn và Dược phẩm dành cho chó ở Mỹ (FDA) về cùng một loại thức ăn đóng hộp sản xuất ở Trung Quốc được coi là giọt nước tràn ly.
Cùng lúc, các công ty kinh doanh trên thị trường thuốc lá điện (electric cigarrete) của Mỹ cũng quyết định sẽ thôi nhập khẩu sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc do những lo ngại về chất lượng ngày một lớn. Thuốc lá điện được cho là ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống (tobacco cigarrete) nhưng do không kiểm soát được chất lượng khi chúng sản xuất ở Trung Quốc nên người tiêu dùng ở Mỹ chưa chắc là loại thuốc lá nào mới ít gây tổn hại cho sức khỏe hơn. Đa số các thành phần làm thuốc lá điện tử vì thế sẽ được sản xuất và toàn bộ công đoạn hoàn thiện sẽ diễn ra tại các nhà máy đặt ở Mỹ để đảm bảo cho một thị trường mà thuốc lá truyền thống sẽ không còn chiếm ưu thế kể từ năm 2020.
Và hàng loạt các sản phẩm thuộc về các lĩnh vực khác nhau, đơn giản như sản xuất giày cho tới đòi hỏi nhiều công nghệ như máy tính, sản phẩm hóa học cũng đang rục rịch dịch chuyển trở lại Mỹ thay vì đặt nhà máy ở Trung Quốc. Thậm chí Walmart, tập đoàn bán lẻ giá rẻ từng đi đầu trong xu thế sản xuất hàng hoá ở nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, cũng tuyên bố trong một thập kỷ tới họ sẽ gia tăng tiêu thụ số lượng hàng hóa sản xuất ở Mỹ lên tới 50 tỉ USD.
Sự dịch chuyển này có lợi nhiều hơn thiệt cho nước Mỹ bởi Mỹ vẫn đang là nước nhập siêu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Trong năm 2013, nhập siêu của Mỹ lên tới 318 tỉ USD (xuất 122 tỉ, nhập 440 tỉ). Ba tháng đầu năm nay, nhập siêu có vẻ giảm khi Mỹ xuất 31 tỉ còn nhập 100 tỉ.
Người Mỹ đón nhận xu thế này với tâm lý khá tích cực. Họ không phải đặt câu hỏi nếu không dùng hàng Trung Quốc thì dùng hàng nào, bởi không chỉ còn có nhiều quốc gia khác đang sản xuất, gia công hàng cho thị trường Mỹ, mà chính nước Mỹ cũng có thể sản xuất rẻ mà tốt.
Các chuyên gia kinh tế ở Mỹ tính rằng hàng sản xuất ở Mỹ giờ đây có thể còn rẻ hơn do giá nhân công ở Trung Quốc đang tăng trong khi hiệu suất lao động ở Mỹ cao hơn do ý thức lao động tốt, có công nghệ tiên tiến và chi phí vận chuyển thấp hơn.
Đây không phải là vấn đề tự cường nhưng rõ ràng năng lực sản xuất nội địa chính là chìa khóa để thoát khỏi sự thống trị của hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc.
Chúc anh chị lựa chọn được hàng hóa rẻ mà không nguy hại cho sức khỏe!
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags