(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh hàng loạt người dắt xe đi bộ trên vỉa hè, trước mặt hai CSGT. Chuyện xảy ra ở đoạn đường Tố Hữu, nối 2 quận Nam Từ Liêm và Hà Đông, thuộc địa bàn Hà Nội.
Điều làm dân mạng bức xúc ở đây là nếu không có CSGT thì lập tức đoàn người này sẽ chạy xe ngược chiều trên cả lòng, lề đường.
Hình ảnh xấu xí của giao thông này để lại cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ. Gần đây vụ tai nạn thảm khốc liên quan tới chiếc xe hơi chạy lùi trên cao tốc được đưa ra xét xử cũng gây xôn xao dư luận.
Cách đây chưa đầy 2 tháng, tai nạn cướp đi 3 sinh mạng tại Đắk Lắk chỉ vì một xe máy chạy ngược chiều. Hay như vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 13 người chết và 32 người bị thương tại Gia Lai vào tháng 9 năm ngoái cũng đến từ việc chạy ngược chiều như vậy.
Và không chỉ có đi ngược chiều. Tình trạng đi đường kiểu “đường rừng”, kiểu “một mình một chợ” vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Chạy xe quá tốc độ, lấn tuyến, vượt đèn đỏ, dừng không đúng vạch, chạy ngược chiều trên vỉa hè, trên thành cầu, đánh võng, gây cản trở giao thông… vẫn thường thấy. Thậm chí đã có nhiều video quay được cảnh nhiều người đi xe gắn máy cố ý kháng cự lại người điều tiết giao thông để chạy sai luật theo ý của mình.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp như hiện đại hóa việc xử lý, tăng nặng mức xử phạt, tuyên truyền văn hóa giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm… nhưng có vẻ chưa phải là liều thuốc đủ mạnh để ngăn chặn hoặc xử lý triệt để chứng giao thông tùy tiện.
Trở lại với trường hợp chạy xe ngược chiều khoảng 200 mét trên vỉa hè và lòng đường Tố Hữu, Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết luôn bố trí lực lượng để kịp xử lý. Nhưng khi có mặt của CSGT thì người dân lại dắt xe máy đi trên vỉa hè để tránh bị xử phạt, còn không thì chạy tràn ra đường, gây kẹt xe tắc đường.
Cũng có ý khiến cho rằng, do việc việc phân luồng giao thông ở cung đường đó, nên muốn sang làn đường bên kia, các phương tiện phải đi một quãng khá xa mới có chỗ quay đầu. Cho nên vào giờ cao điểm, khi phải chạy đua với thời gian để đến nơi làm việc, người đi đường dễ sinh tâm lý “đi tắt” cho nhanh và khi gặp CSGT thì dắt xe để “lách luật”. Từ đó, lại có ý kiến cho rằng, cùng với việc cử CSGT lập chốt chặn để xử lý người vi phạm, cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu lại cách phân luồng, phân chiều đoạn này sao cho hợp lý hơn để người dân thuận tiện đi lại và giảm thiểu các trường hợp vi phạm hoặc “lách” luật giao thông.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn một điều rằng, khi việc phân luồng hiện hành đang có hiệu lực thì người đi đường phải chấp hành đầy đủ.
Năm 2017, bình quân mỗi ngày xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, làm 23 người chết, 15 người thương tích suốt đời và 32 người bị thương nhẹ. Cho nên tai nạn giao thông ở nước ta đã trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng, không còn là chuyện của riêng ai.
Để giảm thiểu thì cần đòi hỏi sự thiết kế và xử lý giao thông khoa học hơn, cũng như sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Ở phương diện người đi đường, nếu mỗi người tăng ý thức tôn trọng luật giao thông, hạn chế sự tùy tiện, thì chắc sẽ giảm thiểu được đáng kể những tai nạn không đáng có.
Vô Ưu
Tags