(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo Bộ VH,TT&DL cùng tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương lên phương án và tiến hành khai quật con tàu cổ tại vùng biển Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi).
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Phương án khai quật tàu cổ tại vùng biển Dung Quất
- Khai quật tàu cổ niên đại thế kỷ XVI đắm tại Dung Quất, Quảng Ngãi
- Tàu cổ Quảng Ngãi (kỳ 2): 'Vớt' dễ, 'bày' khó
Trước đó, từ giữa năm 2017, xác tàu đắm này đã được phát hiện ở độ sâu khoảng 9 mét (cách bờ 7 mét). Những khảo sát ban đầu cho thấy trên tàu có một lượng lớn gốm sứ thời Minh, mang niên đại thế kỷ XVI.
Câu chuyện về những con tàu đắm chứa cổ vật tại biển Việt Nam không xa lạ. Cách đây tròn 28 năm, chúng ta đã trục vớt con tàu cổ (kèm theo cổ vật đầu tiên tại Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu). Rồi lần lượt tiếp đó là các tàu Hòn Dầm (Kiên Giang năm 1991), Cù Lao Chàm (Quảng Nam năm 1997), Cà Mau (năm 1998), Bình Thuận (2001)…
Đặc biệt trong số đó, khu vực biển Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) được mệnh danh là “nghĩa địa” tàu cổ - khi tới thời điểm này, đã có ít nhất 3 con tàu cổ được xác định. Thậm chí, theo ước đoán ban đầu của một số chuyên gia, vùng biển này có khoảng… 10 xác tàu đắm khác nhau. Và năm 2013, xác tàu cổ đầu tiên tại Bình Châu đã được trục vớt (có niên đại từ 500 – 700 năm trước), kèm theo gần 4.000 món đồ sứ thời Minh, Thanh.
Đã có khá nhiều giả thiết về lý do để những con tàu chở cổ vật (chủ yếu có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc) nằm lại dưới đáy biển nước ta. Theo nhận định chung, trong lịch sử, trục đường biển khu vực Đà Nẵng - mũi Cà Mau vốn là tuyến hàng hải khá sôi động của giao thương Đông Tây. Và, do đặc thù chạy bằng buồm gió (không có động cơ), các đội tàu biển khi xưa thường giữ một cự ly khá gần với bờ biển để thuận tiện cho việc định hướng, cũng như tiếp tế lương thực, nước ngọt.
Gặp rủi ro, nhiều chiếc tàu trong số đó bị đắm và không thể trục vớt trong hành trình của mình. Đặc biệt, tại vùng biển Bình Châu, do nước xoáy (và có thể do hải tặc hoành hành), rất nhiều tàu cổ đã nằm lại đây.
Những cổ vật nằm lại trên các con tàu này có giá trị lớn. Chẳng hạn, với tàu cổ Hòn Cau số cổ vật trục vớt được đem bán đấu giá tại Mỹ đã thu về gần 7 triệu USD, số cổ vật trên tàu cổ Cà Mau thu về 4 triệu USD, còn tàu cổ Bình Châu có lượng cổ vật được định giá từ 2 đến 2,5 triệu USD. Lượng cổ vật trên mỗi con tàu cũng rất phong phú, chẳng hạn tàu cổ Cù Lao Chàm chứa tới 25.000 hiện vật.
Nhưng, câu chuyện không chỉ nằm ở khía cạnh giá trị kinh tế. Con đường giao thương cổ ấy còn cho thấy tầm quan trọng của vùng biển Việt Nam trong lịch sử - điều rất có ý nghĩa trong chiến lược biển Việt Nam ngày nay.
Nhìn lại chuyện cũ, để hi vọng việc trục vớt tàu cổ Bình Châu sắp tới sẽ được thực hiện theo cách hoàn hảo nhất, trong khả năng của chúng ta.
Anh Bảo
Tags