(Thethaovanhoa.vn) - “Yêu hết mình, đau đớn tận cùng và lãng quên nhanh" - Lời tâm sự chân thành và cảm động của Hồ Ngọc Hà trong đêm nhạc Love songs diễn ra tối 20/4 tại TP.HCM đã được loan truyền và nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ của dư luận. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng làm được 3 chữ cuối cùng (lãng quên nhanh) mà thậm chí còn chết chìm trong 4 chữ giữa “đau đớn tận cùng”.
- Remix Giải trí: Ăn mày ở Dubai được 1,6 tỷ/ngày; 'trai đẹp' vẫn đẹp trai; còn lại thì chỉ thích eo, mông...
- Noo Phước Thịnh, Maya... hóa thành các 'chiến binh âm nhạc' sau The Remix
- Remix Giải trí: Ngắm ảnh cưới Hoài Linh làm gì khi nghe đồn là họ đã... chia tay?
Đó là những tin tức nổi bật trong ngày hôm nay, tính đến sáng ngày 22/4.
Như thường lệ, bản tin Remix Giải trí bắt đầu bằng các tin tức quan trọng
* “Gặp kẻ ăn cắp thơ ta/ Hóa ra người ấy lại là tri âm”
Thông tin quan trọng lại mang đầy màu sắc sân, si, không khiến người ta thanh thản được như nghe chia sẻ của Hà Hồ.
Hai vị nam tử vướng vào chuyện tranh cãi này là ông Hà Sỹ Liêm (TP.HCM) và ông Trần Văn Sỹ (Hà Nội). Thông tin trên trang Zing.vn cho hay, sau khi ông Hà Sỹ Liêm đăng ký tác quyền bài thơ Đừng tưởng, ông Trần Văn Sỹ (Hà Nội) đưa ra bằng chứng cho rằng ông Sỹ Liêm đã lắp ghép bài thơ này từ nhiều tác phẩm.
Ông Trần Văn Sỹ (trái) tố ông Hà Sỹ Liêm - hai tác giả tranh chấp bản quyền
Câu chuyện khá dài, tóm tắt như sau, ông Liêm bắt gặp bài thơ Đừng tưởng lan tràn trên mạng Internet với bút danh của Bùi Giáng và chợt nhận ra đây chính là bài thơ của mình sáng tác từ năm 1992 khi còn ở Pháp.
Còn Trần Văn Sỹ cho rằng, một phần lớn bài thơ Đừng tưởng mà ông Liêm đăng ký bản quyền là nội dung bài thơ Suy ngẫm của tác giả Khánh Nguyên. Từ ý của bài thơ Suy ngẫm, ông đã triển khai để tiếp mạch để sáng tác bài thơ Đừng tưởng vào năm 2008.
Hai tác giả đưa ra nhiều bằng chứng để bảo vệ tác quyền của mình.
Nói chung, vụ này xem chừng phức tạp. Quả thực tôi không ngờ cái công việc làm thơ, những tưởng chỉ là tiếng lòng của mình rút ra cho bạn tâm giao, ai ngờ nó lại rắc rối đến vậy, có một bài thơ mà liên quan đến cả 4 thi hào với tinh thần làm việc tập thể giống như nghiên cứu khoa học vậy.
Đọc qua thì nghe hao hao giống giọng dân gian của ông vua chó mèo Bảo Sinh, nhưng còn lâu mới đạt được phong vị ung dung tự tại của ông vua chó mèo:
“Gặp kẻ ăn cắp thơ ta
Hóa ra người ấy lại là tri âm”
Bảo Sinh tuyên bố phóng thiên, phóng địa kho tàng thơ dân gian vô giá của ông cho tất cả mọi người, không lấy bản quyền.
* Chống đạo văn bằng máy móc
Nói vậy thôi, chớ chuyện đạo văn, đạo thơ là chuyện tày trời. Để chống các loại “đạo” có khi giới văn nghệ sĩ, nên học tập giới nghiên cứu, sáng chế ra một công cụ phát hiện “đạo văn” trong các công trình nghiên cứu. Đây là thông tin khoa học hẳn hoi.
Những thông tin về công cụ này, mang tên Research 1-2-3, vừa được công bố tại Hội thảo “Giải pháp tổng thể hỗ trợ chu trình nghiên cứu khoa học” do Trung tâm Thông tin - Tư liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với IGroup tổ chức, vào ngày 20/4/2016 tại Hà Nội – theo vov.vn.
Đây được cho là công cụ hữu ích giúp giúp các nhà khoa học giảm thiểu khả năng bị trùng lặp về mặt nội dung nghiên cứu, tránh được hiện tượng đạo văn, đảm bảo tính nguyên gốc trước khi nộp bài... Vân vân.
Tất cả những đoạn trên tôi dẫn theo vov.vn, có lược đi đôi chút để khỏi mất thời gian của quý vị, đồng thời cũng tránh bị mang tiếng là “đạo báo” một khi công cụ này được áp dụng rộng rãi.
Tuy thế, có vẻ như công cụ này thiên về việc giảm thiểu sự trùng lặp ý tưởng, đề tài trước khi bắt tay vào các công trình nghiên cứu, hơn là một công cụ tầm soát về đạo đức để kiểm tra các luận văn, luận án, các đề tài nghiên cứu cấp nọ, cấp kia vốn đã bị mang tiếng quá nhiều là copy/paste. Bởi đôi khi hành vi ăn cắp biết chùi mép thì không công cụ nào có thể phát hiện được, trừ... lương tâm của người cầm bút.
Một bài thơ cũng vậy.
Nghiên cứu... lịch chết trong tuần?
Nhân nói về chuyện nghiên cứu, có thể thấy, trong khi ở ta, các luận văn, luận án thường đi vào các vấn đề vĩ mô, có hay không có cũng chẳng chết ai, và đem ra áp dụng thì chẳng khác gì chuyện đi nghiên cứu cách "mổ rồng", trong khi thực tế thì đang đòi hỏi cách giết lợn, vặt lông gà thế nào cho nhanh.
Các nghiên cứu của Tây được cho là có tính thực tiễn cao hơn. Dầu vậy, họ cũng nghiên cứu những đề tài kỳ quặc.
Chẳng hạn một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ được Sputnik và báo chí Việt loan báo hôm nay. Qua phân tích các con số thống kê của Trung tâm giám sát và ngăn ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), họ đưa ra nhận định là... ngày thứ Bảy có tỷ lệ tử vong cao hơn cả.
Nghiên cứu lịch... chết trong tuần của các nhà nghiên cứu Mỹ
Chả hiểu họ có... “đạo” quan niệm ngày tốt, ngày xấu của các các cụ nhà ta hay không, nhưng nghiên cứu của họ cho rằng, phần lớn các ca tử vong do bệnh tim xảy ra vào ngày thứ Hai. Nguyên nhân cái chết thường gặp vào thứ Ba là cúm và viêm phổi. Thứ Tư và thứ Năm ghi nhận các trường hợp tử vong ít nhất và nguyên nhân tử vong do bệnh tật. Riêng thứ Năm, các bệnh nhân ít chết vì đau tim, tiểu đường và trúng đạn.
Những ngày cuối tuần tăng mạnh tỷ lệ tử vong do tai nạn (thứ Sáu) và tai nạn giao thông (thứ Bảy).
Theo thống kê, riêng ngày thứ Bảy, các con số tử vong vì tan nạn giao thông, dùng súng, thuốc độc cũng tăng cao hơn cả so với các ngày trong tuần. (Đoạn trên tôi trích theo bản dịch của Dân Việt).
* Xe máy lại được “miễn phí”
Kỳ quặc, nhưng áp dụng vào Việt Nam thì thông tin cuối cùng có vẻ hợp lý. Ngày thứ Bảy, ngày nghỉ, có nhẽ tai nạn giao thông ở Việt Nam sẽ tăng so với các ngày khác?
Chưa có con số thống kê nào chứng minh cho các phán đoán trên của tôi. Nhưng nói chung, với sự gia tăng của phương tiện cá nhân, nhất là xe máy – thứ phương tiện mà người ta gọi là “thịt bọc sắt”, trái ngược với ô tô là “sắt bọc thịt” - thì rất đáng lo ngại về tai nạn giao thông.
Kẹt xe máy ở TP.HCM. Ảnh Vnexpress.net
Chưa có bằng chứng nào cho thấy, lượng xe máy của Việt Nam sẽ giảm. Mà thực tế, nói giảm hay tăng, thì phải có con số. Trong khi đó một câu hỏi rất đơn giản: Có bao nhiêu xe máy đang lưu hành ở Việt Nam, thì câu trả lời cũng chỉ là ước đoán, vì chúng ta không quản lý được số lượng đó.
Chúng ta có thể cấp biển số cho một chiếc xe mới ra đường, nhưng chúng ta không thể biết sau khi ra đường thì chúng sẽ đi đâu nữa (sang tên đổi chủ ra sao, chất lượng xe tàn tã thế nào, bao giờ chúng phải xả ra bán đồng nát). Xe máy chỉ có khai sinh chứ không có thủ tục khai tử.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ vừa quyết định chính thức bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (xe mô tô) từ ngày 5/6/2016.
Theo chinhphu.vn, thì việc bãi bỏ này xuất phát từ thực tế: “Việc triển khai công tác thu phí tại địa phương chưa thực sự tích cực, đồng bộ, thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe máy, đến tổ chức thu phí, chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng không nộp phí”.
Dù sao thì như vậy cũng là giãn sức dân. Đi xe máy bây giờ là... sướng nhất. Đi đăng ký xong là cứ thế đi đến tận khi... mọt khung, chả phải mua vé cầu đường hay trả phí đường bộ.
* "Yêu hết mình, đau đớn tận cùng và lãng quên nhanh"
Chuyển sang những tin tức giải trí. "Yêu hết mình, đau đớn tận cùng và lãng quên nhanh" - Hồ Ngọc Hà có những chia sẻ chân thật nhất trong liveshow tối 20/4. Các báo đưa tin, trong đêm nhạc, sau những ca khúc nổi tiếng một thời, Hà Hồ đã những giây phút trả lòng về những sóng gió, những vấp ngã trong tình yêu.
Hồ Ngọc Hà chia sẻ về triết lý sống và yêu trong chương trình. Ảnh Vietnamnet
Những chia sẻ này đã được sự ủng hộ của đông đảo mọi người. Và những câu chuyện đời tư của Hà Hồ được loang ra trên mặt báo phần nào cũng đã chứng minh triết lý “sống và yêu” như thế của cô.
Hy vọng rằng, các bà mẹ bỉm sữa – những người đã công kích kịch liệt Hà Hồ trong nghi án là người thứ 3, phá hoại hạnh phúc gia đình của đại gia kim cương vừa qua – sẽ rộng lượng hơn trong cách nhìn về cô.
Còn cánh đàn ông chúng tôi, nói chung, không bao giờ “kết tội” Hà Hồ. Cô yêu ai là chỉ một người, Đức Trí, Cường Đô la, Đại gia kim cương. Thứ tự rất rõ ràng, chỉ đến với người sau khi đã “lãng quên nhanh” được người trước, chứ không có những khoảng thời gian “giao thoa” tình mới - tình cũ, dễ bị quy kết là phản bội.
Triết lý “yêu” của Hà Hồ cũng là triết lý sống của mà mọi người nên suy nghĩ.
* Tình cảm Hà Hồ - Trấn Thành – Hari Won
Có lẽ cũng vì triết lý đó mà Hà Hồ yêu quý Trấn Thành - Hari Won chăng?
Hari Won cũng vướng phải scandal tình mới - tình cũ sau khi mới tuyên bố chia tay rapper Tiến Đạt sau dăm bảy năm mặn nồng, đã thấy tay trong tay với Trấn Thành rồi.
Đúng như Trấn Thành nói, khi bênh vực Hari Won, dư luận không phải trong chăn, nên không biết chăn có rận. Dư luận chỉ biết Hari Won đã “yêu hết mình” với Tiến Đạt, mà không biết sự rạn vỡ giữa họ từ bao giờ, và họ đã “đau đớn tận cùng” ra sao, trước khi “lãng quên nhanh” để đến với tình mới.
Sẽ là ác độc nếu như chúng ta cứ muốn người phụ nữ phải đau đớn khóc lóc, quên ăn quên ngủ, thậm chí... quyên sinh sau khi chia tay người tình thì mới là người thủy chung.
Bởi thế cũng dễ hiểu khi hôm nay, trên trang cá nhân của mình, Trấn Thành bất ngờ đăng tải đoạn clip dài chừng hơn 1 phút, ghi lại cảnh Hồ Ngọc Hà tình tứ, ôm vai bá cổ anh. Giữa họ có thể có chung một triết lý sống nêu trên, cho nên dễ thân nhau hơn.
Trong clip, Hà Hồ cho rằng, bản thân cũng rất ngưỡng mộ MC điển trai này, những ai tiếp xúc với cô và Trấn Thành cũng sẽ hiểu hơn về con người họ và luôn luôn ở bên cạnh hai người dù sóng gió như thế nào.
Thậm chí, đến giây cuối của đoạn clip, Hồ Ngọc Hà nhắng nhít gửi lời xin lỗi đến Hari Won - bạn gái Trấn Thành và dành tặng anh nụ hôn nóng bỏng trên má.
* Rơi nước mắt từ thời cổ đại Hy Lạp
Cuối cùng là một thông tin rất buồn. Nó cũng tiếp tục cái mạch mà tôi vừa kể về việc con người không thể vượt qua được nỗi đau hiện tại, không thể buông bỏ được quá khứ... để tiếp tục sống. Tiếp tục “Phải sống” như nhan đề bộ phim nổi tiếng của Trương Nghệ Mưu có diễn viên Củng Lợi đóng.
Tự sát là điều kinh khủng nhất khi con người chấp nhận đầu hàng số phận.
Tự sát và còn kéo theo cái chết của người thân nữa thì là thảm cảnh của trần gian.
Nghi án người mẹ giết con đang chờ kết luận cuối cùng. Qua các thông tin trên báo chí, dư luận thực sự sốc, và chẳng thể kết tội ai, vì người bị nghi là có tội (người mẹ) thì đã qua đời. Khổ đau khôn xiết. Sống quê cha, chết làm ma quê chồng, nhưng sau cái chết, phía bên ngoại đã khẩn cầu gia đình người chồng cho đưa xác về quê chôn cất.
Nghi án án này khiến tôi nhớ đến các câu chuyện mẹ sát hại con từng xảy ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới vì những lý do nào đó.
Câu chuyện về Nàng Mê-đê (Médée, Medea), xuất phát từ truyện cổ Hy Lạp và sau đó đi vào bi kịch của Euripides. Nàng Mê-đê sát hại 2 con vì những mâu thuẫn gia đình.
Vở kịch mang nhiều lớp lang ý nghĩa, nhưng sự khốc liệt của bi kịch này phần nào cũng cho thấy những nỗi bất hạnh tột cùng của con người khi không chiến thắng được bi kịch của chính họ.
Giá trị của vở kịch qua hơn 2000 năm vẫn không hề cũ là vì thế.
Đông Kinh (tổng hợp)
Tags