Sao để con trẻ khóc nấc trên truyền hình thực tế?

Thứ Ba, 24/05/2016 07:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Truyền hình thực tế vốn nhiều kịch tính, bởi thế chẳng cứ thí sinh nhí khóc, mà đến diễn viên chuyên nghiệp cũng phải nước mắt ròng ròng. Đó là trường hợp của thí sinh Lâm Vĩ Dạ tại Đấu trường thiếu lâm khi bị giám khảo "phũ mồm" Trấn Thành chê là "quá dở". Đến giám khảo cũng khóc, chứng cớ là Văn Mai Hương, Tóc Tiên khóc khi nghe cậu bé 13 tuổi nghèo hát. Isaac cũng khóc (lần đó vì xúc động).

Với thí sinh Linh Hoa trên Vietnam Idol Kids hôm trước từng là quán quân của cuộc thi Bước nhảy Hoàn vũ nhí 2014, nhưng đến cuộc thi mới này, em bị xem là không có giọng tốt. Và thi không thật tốt nên Linh Hoa phải nhận điểm B duy nhất và cũng là điểm thấp nhất của đêm thi. Cộng với việc ít được khán giả bình chọn, cô bé phải nói lời chia tay chương trình...

"Khi MC mở lời đề nghị Linh Hoa chia sẻ cảm xúc, bé nghẹn ngào, nức nở không nói được gì. Trước đó, MC Thảo My lỡ lời khi bảo năm thí sinh đạt điểm A còn lại: "Các bạn hãy tiến lên để chia buồn cùng Linh Hoa...". Nói đến đây, Thảo My chữa lại rằng không việc gì phải chia buồn vì Linh Hoa vẫn còn nhiều cơ hội và con đường rộng mở phía trước"- báo Vnexpress.net mô tả.


Bé Linh Hoa trình diễn trên sân khấu "Vietnam Idol Kids"

Theo quan sát của tôi, ban đầu Linh Hoa có tâm trạng khá ổn khi biết mình bị rớt. Nhưng sau đó cô bé không giữ được bình tĩnh. Nói đúng hơn cô bé không che giấu được cảm giác thất vọng của mình nên sụt sùi. Tôi không hiểu được cảm giác của các khán giả khi vỗ tay, nhưng tôi thấy thật khó tả khi MC đưa micro để em "chia sẻ cảm xúc" giữa tiếng nức nở, tiếng nấc nghẹn của em. Em thật bản lĩnh khi nói "con vào đến vòng này là vui rồi"...

Nhưng tất cả chúng ta đều thấy cô bé không thể vui, thậm chí quá thất vọng về việc mình bị loại. Mọi sự động viên kiểu một tràng vỗ tay dường như chỉ có tác dụng khiến cho chính bản thân những người lớn chúng ta cảm thấy bớt áy náy hơn khi nhìn cô bé khóc.

Đương nhiên cuộc thi thì phải có thắng có thua. Và bị loại không có nghĩa là mất hết các cơ hội. Chúng ta có thể an ủi các em rằng, rồi trên đường đời chúng ta phải chấp nhận nhiều thất bại khác, mà việc bị rớt khỏi một cuộc thi giải trí này chẳng phải là cái gì đáng kể.

Thế nhưng, người lớn khác với những đứa trẻ. Và nhiệm vụ của người lớn, có lẽ là nên giảm bớt những áp lực không đáng có cho các em, nhất là khi các em đang đứng trơ trọi trên sân khấu trước đám đông. Tôi nhớ đến những cảnh báo của chuyên gia về những "sang chấn tâm lý" ở trẻ nhỏ khi tham gia các cuộc thi đầy áp lực trên truyền hình. Và đó là lý do mà nhiều người luôn phản đối việc đưa các em lên các sân chơi mang nặng tính chất hơn thua.

Có nhiều cách để giảm thiểu những áp lực này, trong đó có cách công bố kết quả, cách ứng xử với thí sinh bị loại. Và cho dù là cách gì đi nữa thì cũng không nên động viên kiểu người lớn. Bạn hãy tự đặt câu hỏi rằng đến năm bao nhiêu bạn mới có thể thanh thản trước thất bại khi nghĩ rằng "thất bại là mẹ của thành công" và một con đường này khép lại có thể mở ra một con đường khác?

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›