(Thethaovanhoa.vn) - Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam linh đình vừa kết thúc tháng trước, Lynk Fashion Show lần thứ hai được người đẹp Lý Nhã Kỳ tổ chức mới đây. 11/12 tới nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường hứa hẹn sẽ tạo ra một show đình đám ở Sân vận động Quần Ngựa (Hà Nội)... Các show được gắn với những tính từ “hoành tráng”, “khủng” với chi phí đầu tư lên đến hàng tỷ này cuối cùng được tổ chức để làm gì?
- Kết thúc Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam: Cố lên các nhà thiết kế Việt!
- Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2015: Thanh Hằng vẫn vedette
- Khai mạc Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2015: Thúy Hạnh gây bất ngờ
Theo con số mà các nhà kinh tế học đưa ra trên các tạp chí về kinh tế, đầu tư thì doanh thu của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu đạt 1.200 tỷ USD/năm. Những hãng thời trang hàng đầu như Louis Vuitton thu về 37,14 tỷ, H&M 18,82 tỷ, The Gap 15,65 tỷ, Christian Dior có doanh thu 11,91 tỷ USD…
Tổ chức các tuần lễ thời trang là một lĩnh vực vừa mang lại doanh thu trực tiếp cho ngành thời trang, vừa kéo theo những khoản thu cho các ngành kinh tế khác như du lịch, khách sạn, hàng không… Một con số đơn cử, Tuần lễ thời trang New York hàng năm mang về cho nền kinh tế của thành phố này 20 triệu USD. Bởi mỗi khi tuần lễ này diễn ra, nó thu hút tới gần 240 ngàn người tham dự!
Còn ở Việt Nam, doanh thu của ngành may mặc toàn quốc năm 2013 đạt 24,89 tỷ USD, lợi nhuận là 1,07 tỷ USD. Mức tăng trưởng trung bình của ngành là 15%/năm, kim ngạch xuất khẩu đóng góp vào GDP hàng năm từ 10 - 15%.
Con số này không bao gồm phần sản xuất, kinh doanh của các nhà thiết kế thời trang, những người đang tự mình xây dựng thương hiệu, tự tìm thị trưởng, kiếm doanh thu. Tuy nhiên, họ lại chính là lực lượng đang dần tạo ra bộ mặt của thời trang Việt qua các show thời trang do họ tự tổ chức hoặc các sự kiện thời trang được tổ chức bởi những đơn vị tư nhân khác.
Đổi tiền lấy tiền
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam - Vietnam International Fashion Week tổ chức đến mùa thứ hai với vốn đầu tư khá “chát chúa” đến nay vẫn chưa thể tự nuôi mình dù số lượng logo nhà tài trợ rất nhiều, được in dày đặc trên backdrop ở sảnh vào của địa điểm trình diễn và đã có doanh thu từ bán vé. Lý do nhà tài trợ nhiều mà tiền vẫn không đủ chi phí tổ chức là vì nhiều khi các thương hiệu chỉ tài trợ bằng sản phẩm hoặc tài trợ một số tiền rất khiêm tốn, chỉ đủ “làm sang” cho sự kiện.
Con số đầu tư chính xác của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam tuy không được công bố nhưng nghe đâu nhà tổ chức Multimedia JSC đã đổ vào đây xấp xỉ 10 tỷ đồng. Họ rất nỗ lực mời các nhà thiết kế nước ngoài đến và đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cũng như đầu tư cho ê-kíp sản xuất thuộc loại “hàng hiệu” ở Việt Nam và một vài cá nhân ở những bộ phận quan trọng từ nước ngoài.
“Chủ xị” của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, bà Lê Quỳnh Trang cho biết: “Chúng tôi xác định đầu tư cho sự kiện này để bước đầu xây dựng thương hiệu cho bản thân sự kiện và đắp đổi bằng lợi nhuận từ những chương trình khác mà công ty chúng tôi đang thực hiện”.
Lynk Fashion Show của Lý Nhã Kỳ cũng không ngoại lệ. Mục đích chính không phải để kiếm tiền từ show bởi việc đó là không thể và Lý Nhã Kỳ đã thành công khi lăng-xê thương hiệu kinh doanh thời trang xa xỉ Lynk của mình bằng bản thân show diễn đình đám và những hoạt động “râu ria” như mời ngôi sao TVB Xa Thi Mạn từ Hong Kong sang ngồi ghế khách danh dự.
Tuy nhiên, có một người đã thu được tiền trực tiếp từ các show diễn tiền tỷ của mình, đó là Đỗ Mạnh Cường.
Nhà thiết kế danh tiếng và cũng tai tiếng này từ vài năm nay đã liên tục tổ chức các show thời trang riêng cho thương hiệu DMC. Mỗi năm 2 mùa thời trang: Xuân - Hạ, Thu - Đông, Đỗ Mạnh Cường đều có show khủng với mức đầu tư thường là 5 tỷ đồng. Khán giả của những show diễn này hoàn toàn là khách mời, và đa số là khách ruột của Cường.
Rất nhiều người đã đến xem với mục đích mua ngay tại chỗ những trang phục vừa mắt họ. Hầu hết các show của Đỗ Mạnh Cường khi vừa diễn xong cũng là lúc trang phục được bán hết sạch.
Năm ngoái Đỗ Mạnh Cường đánh liều đưa bộ sưu tập và bầu đoàn thê tử sang tận Mỹ, thuê đứt tòa lâu đài Greystone trên đồi Beverly Hills để tổ chức trình diễn bộ sưu tập Xuân - Hè 2015 có tên gọi La Vie En Rose. Dù không hoành tráng và chỉ mang tính chất phục vụ kiều bào nhưng show diễn này ngốn của Cường xấp xỉ 6 tỷ đồng và cũng làm anh thót tim vì thấy mình liều quá.
Tuy nhiên, anh đã thu về rất nhiều thứ khác, chủ yếu là… tiền bán trang phục. Vừa kết thúc show, tất cả các trang phục ready to wear của bộ sưu tập này đã được mua hết, anh chỉ mang về Việt Nam những bộ mang tính trình diễn. Sau đó, đơn đặt hàng từ Mỹ tới tấp bay về với Cường.
Nhắc lại sự việc này, Đỗ Mạnh Cường nói: “Lúc quyết định làm show ở Mỹ, tôi không nghĩ mình lại bán được đồ nhiều bởi ở đây mọi người có rất nhiều lựa chọn. Đồ của tôi đắt, trong khi họ có thể mua hàng của các nhãn hiệu lớn với giá giảm rất nhiều. Tuy nhiên tôi đã rất may mắn”.
Điều gì khiến những show diễn ngược đời của Đỗ Mạnh Cường - trình diễn những gì đang bán thay vì phải giới thiệu trước cả năm như cách thời trang quốc tế vẫn làm - thành công đến vậy? Rất đơn giản, người mê thời trang ở Việt Nam không thể đợi lâu đến thế, họ thường muốn sở hữu ngay những gì các người mẫu đang mặc trên catwalk. Mặt khác, với tốc độ copy mẫu chóng mặt của các “nhà thời trang” nhỏ lẻ vốn là những tiệm may và bán, Đỗ Mạnh Cường sẽ thất bại nếu anh giới thiệu đồ mình làm trước một năm. Bởi thực tế đã chứng minh, thường ngay sau đêm trình diễn chỉ vài ngày, những trang phục kiểu DMC đã nhan nhản ở những cửa hàng quần áo gắn mác “xuất khẩu”.
Bằng chứng xác đáng cho việc “sống là không chờ đợi” của khách hàng thời trang Việt là đây: Đang chuẩn bị cho show Thu - Đông Love By Do Manh Cuong ở Sân vận động Quần Ngựa tối 11/12 sắp tới, Đỗ Mạnh Cường đã thu về 3 tỷ đồng từ tiền bán các trang phục trong bộ sưu tập anh sẽ trình diễn! Anh cũng không ngần ngại công khai việc đó trên Facebook và bày tỏ ý định hủy show bởi đồ đã bán gần hết.
Tuy nhiên, show sẽ vẫn diễn ra bởi khách hàng của Cường cần đến xem không chỉ quần áo mà còn nhiều thứ khác mà anh chàng lắm chiêu này vẫn bày cho họ mỗi năm 2 lần.
Tại Mỹ, có 19.300 người khai trong lý lịch của mình nghề nghiệp là nhà thiết kế thời trang. Còn trong các cuộc tuyển chọn thí sinh cho cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam - Project Runway, có đến cả ngàn nhà thiết kế đã đăng ký tham dự. Show Thu - Đông Love By Do Manh Cuong ở Sân vận động Quần Ngựa tối 11/12 sắp tới chưa diễn ra, nhà thiết kế đã thu về 30 tỷ đồng từ tiền bán các trang phục trong bộ sưu tập sẽ trình diễn! |
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags