Sông Hồng đang bị lãng quên?

Thứ Tư, 10/06/2015 06:01 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Sông Hồng nước đỏ phù sa chảy qua giữa lòng Hà Nội nghìn năm, thành một phần hình ảnh của Hà Nội thân thương. Nhiều ý kiến đề nghị xếp hạng bảo vệ đê sông Hồng như là một di sản văn hóa.

Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bởi sông Hồng là một phần của Hà Nội. Có lẽ cần đưa sông Hồng vào không gian cảnh quan Hà Nội để tôn vinh sông Mẹ, để bảo vệ dòng sông qua đây, làm tôn thêm vẻ đẹp thành phố, tạo ra sản phẩm du lịch…

Hà Nội hôm nay đang phát triển thành phố ra cả hai bờ sông Hồng. Và gần đây có những dự án định xây dựng thành phố sông Hồng, đưa cao ốc ra giữa sông... Nhưng đợi mãi chưa thấy gì.

Bây giờ đi dọc hai bờ sông, nhất là phía nội đô, thấy thương dòng sông quá thể. Nhất là mùa nước cạn sông chỉ còn những cái lạch nước nhỏ. Lòng sông bị cát bồi, cư dân hai bên bờ đua nhau ra đó trồng trọt, chăn nuôi, thậm chí mua bán đất đáy sông theo mùa vụ.


Sông Hồng là một phần của Hà Nội

Bờ sông thành bãi rác, bãi đất thải. Nước thải sản xuất, sinh hoạt tự do đổ ra sông, nước sông nhiều chỗ ô nhiễm nặng nề. Bẩn và nhếch nhác là cảnh dễ thấy dọc đôi bờ. Không có bến cảng nào đúng nghĩa được xây dựng bên sông, làm sao bảo không phát triển được du lịch sông Hồng!

Tiếc cho thành phố, mười năm trước có một họa sĩ già đã nghiên cứu và đề xuất một dự án nhằm chỉnh trị sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Ông đã đăng ký bản quyền tác giả về dự án Thành phố Sông Hồng. Nhưng mười năm nay từ khi họa sĩ Văn Thơ trình dự án đến nay, sông Hồng vẫn thế, nghĩa là chưa thôi nhức nhối nạn lấn sông và đổ rác cùng nước thải ra sông. Và bờ sông vẫn hoang hóa, bạt ngàn lau lách cỏ dại lẫn với rác thải sinh hoạt.

Thật tiếc cho sông Hồng. Có lẽ thành phố sau mở rộng còn quá nhiều việc phải làm, còn nhiều đất đai để xây phố mới, cao ốc mà quên mất vẻ đẹp đáng có của sông Hồng.

2. Sông Hồng như là mặt tiền của thành phố nhìn từ trên cao khi đi qua những cây cầu. Nếu được chỉnh trang cải tạo đê kè đôi bờ sông thì tôi tin, Hà Nội sẽ lộng lẫy hơn, mang vẻ đẹp rực rõ hơn, lung linh hơn về đêm. Và cần thiết xây thêm nhiều bến cảng du lịch cho du khách nhẹ chân bước lên những con tàu đi dọc sông mà ngắm, mà ngẫm về chiều sâu thành phố nghìn năm.

Có thể có thêm một bến thuyền ghi dấu việc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La, là nơi Người đặt chân lên mảnh đất này. Đó cũng là một tour du lịch hấp dẫn với chặng đường thủy từ Hà Nội xuôi sông Hồng về Hoa Lư lịch sử.

Có thể có những khó khăn khi triển khai Thành phố Sông Hồng, nhưng việc chỉnh trị con sông, nạo vét lạch luồng, kè lại đôi bờ, chống lấn chiếm, xả thải và giải tỏa nạn lấn chiếm bờ sông, ấy là việc nên làm trước. Xin đừng lãng quên sông Hồng, sông Mẹ. Ấy là một ứng xử với thiên nhiên và với văn hóa Thủ đô.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›