(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy hình ảnh Noel là qua một tấm bưu thiếp một người anh đi học tại Liên xô gửi về năm 1980. Đó là một cây thông cao, treo đèn nhấp nháy và mấy quả cầu pha lê giữa một vùng tuyết trắng xóa trông rất đẹp mắt.
Năm 1989, khi đang là bộ đội, đơn vị chuyển quân vào Bình Dương, cũng là lần đầu tiên tôi được biết nghi lễ đi nhà thờ vào các ngày Chủ nhật của một số anh em trong đơn vị theo đạo Thiên chúa, biết được một số thủ tục của việc đi lễ như thế nào, còn trước đó quả thực là mù tịt.
Rồi đến khi xuất ngũ trở về, khi theo học tiếng Anh tại một trung tâm gần Nhà thờ Lớn ở Hà Nội, xem phim ảnh, đọc sách báo và để ý quan sát mới biết được lễ Noel là như thế nào, có những chuyện gì.
Tôi nhớ không nhầm, lễ Giáng sinh trước đây ở Việt Nam thường chỉ diễn ra ở những khu xóm đạo, những nơi có nhà thờ và dành cho giáo dân là chính. Còn lại những người không theo đạo cũng không có các hoạt động gì cả. Ngay cả việc tặng quà trong dịp này cũng hiếm khi xảy ra.
Điều ấy có lẽ một phần do điều kiện kinh tế và văn hóa lúc bấy giờ còn khó khăn, vả lại thông tin về ngày lễ Giáng sinh không phải ai cũng biết được cụ thể cho nên không có các hoạt động rầm rộ. Những đứa trẻ thế hệ chúng tôi làm sao mà biết được chuyện ông già Noel cho quà vào đôi bít tất đưa xuống qua ống khói vào tặng cho những đứa trẻ, làm sao hiểu được tại sao ông lại mặc đồ đỏ, có bộ râu trắng muốt và cưỡi xe tuần lộc.
***
Hơn hai chục năm gần đây, khi điều kiện kinh tế và văn hóa đã phát triển, thông tin cũng sẵn có để tìm hiểu, điều kiện giao lưu hội nhập văn hóa càng nhiều hơn, lễ Noel cũng được chào đón, tổ chức trang trọng hơn, vui vẻ và rầm rộ hơn. Thậm chí nhiều loại hình dịch vụ như tặng quà, làm ông già Noel, rồi chuyệnkhuyến mãi, giảm giá nhân dịp này cũng đồng loạt phát triển.
Như thế, những gì có liên quan đến ngày lễ này đều được mọi người quan tâm, không chỉ giáo dân mà mà với mọi thành phần, mọi lứa tuổi – đặc biệt là giới trẻ.
Và khá thú vị, dù không phải là một ngày nghỉ chính thức, chúng ta vẫn biến ngày Noel hàng năm thành một ngày đặc biệt của cộng đồng. Ngày ấy, các công ty làm những cây thông lớn trước đại sảnh, có nơi thì cho phép nhân viên nghỉ sớm để đi chơi hoặc mua sắm. Những cặp thanh niên coi ngày này là dịp để tặng quà, để bày tỏ tình cảm. Và, cũng rất nhiều gia đình nhân dịp này cùng họp mặt ăn tối và quây quần, coi như một dịp gặp mặt hàng năm trước khi Tết đến xuân về.
Nhưng quan trọng nhất, trẻ nhỏ ở các thành phố bây giờ đều hào hứng với ngày Noel. Đặc biệt là trẻ em độ tuổi học từ mẫu giáo đến cấp 1 còn háo hức mong chờ giây phút ông già Noel (được cha mẹ ủy thác cho các dịch vụ) gõ cửa tặng quà kèm theo những lời chúc tốt đẹp (cách đặt chiếc giày ở lò sưởi để chờ quà có vẻ không được chúng ta chuộng lắm).
Như thế, từ một ngày lễ của đạo Thiên chúa, từ một ngày đặc biệt của phương Tây, Noel đã bén rễ và phát triển ở Việt Nam một cách khá đa dạng và vượt khỏi khuôn mẫu ban đầu. Nói cách khác, hạt nhân của nó, với những giá trị nhân văn đặc thù, đã được chúng ta đón nhận – giống như cách mà nền văn hóa của chúng ta đã tiếp nhận khá nhiều tinh hoa Đông Tây trong lịch sử của mình.
Bởi thế, vào dịp Noel, bạn đừng ngạc nhiên hỏi rằng tại sao người Việt lại hào hứng và coi trọng nó như vậy.
Quốc Thắng
Tags