(Thethaovanhoa.vn) - Nghẹn ngào, hàng ngàn lời vĩnh biệt gửi tới PGS Văn Như Cương đã tràn ngập trên không gian mạng kể từ sớm 9/10. Trước đó vài tiếng, ông ra đi ở tuổi 80, sau 3 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
- Xúc động đọc lại status của Thầy Văn Như Cương về cái chết
- Thầy Văn Như Cương: Nhà giáo của Nhân dân trong lòng nhiều thế hệ học trò
- Những câu nói 'để đời' của PGS Văn Như Cương
Trong 3 năm ấy, người thầy giáo đáng kính này không cô đơn trong hành trình chống chọi cùng bệnh tật. Bên cạnh ông và người thân, hàng ngàn học sinh và cựu học sinh trường THPT, nơi ông có gần 20 năm gắn bó, đã cùng đồng hành với thầy bằng những lá thư, bằng lời chúc, bằng những con hạc giấy được gấp kèm theo ước nguyện mong thầy vượt qua bạo bệnh.
Và, không chỉ có học sinh của PGS Văn Như Cương mới đau buồn khi vĩnh biệt thầy giáo mình.
Nếu nhìn vào những gì mà báo giới, và các trang mạng xã hội viết về ông trong ngày hôm qua 9/10, có thể khẳng định: trong bức tranh đan chen sáng – tối của giáo dục Việt Nam mấy năm nay, hiếm có người thầy giáo nào được dư luận tôn trọng và lắng nghe như thế.
Lắng nghe, bởi lúc sinh thời, PGS Văn Như Cương được báo giới và cộng đồng biết tới không chỉ ở cương vị một người thầy. Gần 20 năm qua, những ý kiến của ông về giáo dục, về đạo đức hay thế hệ trẻ đã trở thành phản biện xã hội sắc sảo và được dư luận quan tâm.
Đơn cử, 3 năm trước, khi đề án đổi mới sách giáo khoa (với kinh phí dự kiến lên tới 34.000 tỷ đồng) được đưa ra để tranh luận, ông thẳng thắn cho rằng số tiền đó chỉ cần... 34 tỷ đồng là đủ, nghĩa là thấp hơn đúng 1.000 lần. Rồi, gần đây nhất, khi điểm tuyển sinh Đại học ngành sư phạm của năm 2017 "tụt" tới mức thê thảm, ông bảo rằng việc của ngành giáo dục bây giờ không phải là cố tập trung đào tạo giáo viên mới, mà phải là... dạy lại giáo viên cũ.
Thậm chí, ở cương vị hiệu trưởng của một trường THPT có tiếng tại Hà Nội, những quan điểm của ông đôi khi như đi ngược lại ước vọng của ngành giáo dục bây giờ. Ông bảo: ai cũng vào đại học là lạc hậu. Rồi, ông thương con em chúng ta khi phải "học đủ mọi thứ". Và nữa, "học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ trở thành thiểu năng".
***
Những lời phản biện của PGS Văn Như Cương có một khoảng cách so với những cơn mưa "ném đá" ngành giáo dục Việt Nam mỗi khi xảy ra sự cố. Bởi, ông lên tiếng về những bất cập trong giáo dục với tư cách một người thầy đang cố gắng bảo vệ quyền lợi cho học sinh của mình.
Và, dù muôn hình muôn vẻ, khi nhìn vào những kỷ niệm đang được các học sinh và cựu học sinh của ông chia sẻ, chúng ta vẫn có thể thấy một điểm chung: ông là người nghiêm khắc, nhưng bao dung và thương yêu các học trò một cách thật lòng, với quan điểm giáo dục nhân văn và thiết thực.
Giống như, lời chia sẻ từ ông, mà một giáo viên của trường kể lại, đại ý rằng học sinh bây giờ tinh lắm, nếu các thầy cô yêu thương các em thật lòng thì chúng sẽ nhận ra là các thầy cô đang giúp chúng tốt lên chứ không phải bị ghét bỏ hay trù dập'.
Giống như, bức tâm thư mà ông gửi các học sinh trường Lương Thế Vinh, với lời nhắn nhủ: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệm tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế".
Một cách tự nhiên, trong bất cứ giai đoạn phát triển nào, mỗi ngành nghề vẫn đều có những cá nhân mang tính biểu tượng cho mình. Và ít nhiều, trong vài chục năm thăng trầm vừa qua của giáo dục VN, PGS Văn Như Cương cũng là một trường hợp hiếm hoi như vậy.
Bởi, vượt lên mọi câu hỏi mà ngành giáo dục bây giờ đang đưa ra, ông làm được cái việc mà người ta trông chờ trước hết ở một người thầy: cố gắng giúp mỗi học sinh trở thành một người tử tế trong số những người tử tế.
Anh Bảo
Tags