(TT&VH) - 1. Tại nghị trường Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Ngân sách khó đảm bảo việc tăng lương theo lộ trình từ 1/5/2013, theo mức tăng dự kiến từ 1,05 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, ngân sách phải cần hơn 60 nghìn tỷ đồng.
Đó là chưa kể trong năm 2013, ngân sách còn phải chi bù khoảng gần 30 nghìn tỷ đồng để thực hiện mức lương tối thiểu tăng lên 1,050 triệu đồng và phụ cấp công vụ thêm 5% do năm 2012 mới chi cho khoản này được 8 tháng. Ngân sách năm 2013 không kham nổi.
Đây là một "tin buồn" không chỉ đối với những đối tượng hưởng lương từ ngân sách, cán bộ, công chức, viên chức... mà có lẽ với toàn xã hội.
Ảnh minh họa
Việc người hưởng lương không sống đủ bằng lương vốn là câu chuyện dài. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ, có hơn 98% cán bộ công chức cho rằng mức lương tối thiểu chưa đảm bảo được nhu cầu... tối thiểu của người hưởng lương. Nhưng có một điều lạ, tại sao lương thấp như vậy mà công chức vẫn sống khỏe, thậm chí sung túc, nhà lầu, xe hơi, con học trường quốc tế...
Có hai điều để lý giải, thứ nhất có thể thấy nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải làm thêm, tìm mọi cách có thêm thu nhập. Họ vẫn sống tốt nhờ dựa vào nhiều nguồn thu nhập khác.Thực tế, nhiều cán bộ công chức phải dựa vào “thu nhập thêm bên ngoài”... nếu chỉ lương không thì không thể sống nổi. Những "công bộc" của dân phải phân tán sức lao động theo kiểu "chân trong, chân ngoài" để đảm bảo cuộc sống.
2. Nhưng nguy hiểm hơn, một bộ phận công chức tìm nguồn thu nhập ngoài lương, loại thu nhập không minh bạch. Những công chức này “tìm cách khai thác đặc quyền công chức để bù đắp tiền lương”. Vì thế, trong bộ máy Nhà nước hiện nay, một số người đang sống khá “tốt” ở mức sống mà với mức lương của họ, không thể nào có được.
Ai cũng biết họ có những khoản thu nhập ngoài lương xuất phát từ “đặc quyền” nắm trong tay một “khâu” hành chính nào đó. Những thu nhập ngoài lương loại này không minh bạch, khó kiểm soát và muôn hình vạn trạng. Người làm lớn thì "ăn" lớn, người làm nhỏ thì "ăn" nhỏ, theo kiểu tham nhũng vặt. Do đó, ngay đội ngũ cán bộ công chức cũng phân hóa giàu nghèo.
Người làm công ăn lương thuần túy như giáo viên, cán bộ bảo hiểm xã hội... sẽ khác xa với những công chức làm những việc cụ thể trực tiếp với dân, doanh nghiệp liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai... những khâu còn nặng cơ chế "xin - cho".
Người ta nói, công chức thu nhập thấp, dễ tham nhũng, cần phải tăng lương cho công chức để có thể phòng chống tham nhũng. Về hình thức, tư duy này có vẻ hợp logic, nhưng thực tế, tăng lương rồi mà vẫn tham nhũng, thì làm gì nữa? Chả lẽ lại... tăng lương tiếp?
Nhưng ai cũng biết rằng, phần đông cán bộ công nhân viên chức đang trông mong đồng lương tăng từng ngày, dù chỉ là một vài trăm nghìn, thêm chút nào, hay chút đó, để họ và gia đình đối phó với cơn bão giá hiện nay.