(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Hôm nọ, con gái tôi mang một bản nhạc trong phim The Mission về nhà và tập hát. Nó bảo, vào cuối năm học, đội đồng ca của nó sẽ biểu diễn bản này trước toàn trường. Tôi nghe mà thấy xúc động. Mê nhạc của Ennio Morricone từ lâu rồi, đã xem các phim mà ông viết nhạc, đã nghe các đĩa nhạc của ông và ngưỡng mộ ông, nhưng với tôi, ông giống như một đỉnh núi về nhạc phim, và tôi chỉ có thể đứng từ xa để ngắm nhìn. Nhưng để đến khi nghe chính con gái mình hát nhạc của ông thì lại thấy vừa thích thú, vừa bồi hồi. Bởi chưa bao giờ Morricone bỗng trở nên gần gũi với tôi đến thế.
Lại nhớ năm ngoái, con gái và các bạn cùng trường xuất hiện trong vở opera Người thợ cạo thành Seville của Rossini. Vở kinh điển ấy tôi đã từng nghe đến, từng đọc đến, nhưng chưa bao giờ xem trực tiếp trên sân khấu, nghĩ rằng opera có thể là một thứ gì đó quá cao siêu với mình, cho đến khi được tận mắt xem các con và các diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn ở một nhà hát cổ và nổi tiếng nhất Rome, nơi đã từng diễn vở này vào đầu thế kỷ 19.
Trên sân khấu, lũ trẻ, trong vai quần chúng và cũng là những thành viên của dàn đồng ca, cùng các diễn viên chuyên nghiệp, trong trang phục của thế kỷ 18, trình diễn say sưa cả vở opera kéo dài mấy tiếng đồng hồ, trong sự sung sướng tột bậc của các bậc cha mẹ ngồi xem từ các lô ghế của nhà hát. Không ít phụ huynh đã in sẵn cho mình kịch bản của vở opera. Họ cũng muốn ôn lại những kiến thức đã từng học trước kia về opera.
Năm nay, ngoài việc hát cùng dàn đồng ca, con gái tôi cũng sẽ đóng một vai nhỏ trong một vở hài kịch của Moliere, một tác gia mà bọn nhỏ đã học trong chương trình văn học của lớp 6, cũng như thực hiện một vở kịch nữa cho lớp kịch mà nó đang học trong giờ ngoại khóa. Con gái cũng sẽ biểu diễn một bản piano trước toàn trường trong ngày bế giảng. Năm nào cũng có những buổi biểu diễn cuối năm như thế.
Năm ngoái, một buổi diễn “cây nhà lá vườn”, với các cô giáo kéo đàn violin, những đứa trẻ thổi sáo và chơi kèn. Có một bà sơ thỉnh thoảng lại cắm cúi chỉnh cái công tắc điện chập chờn, khiến cái đàn organ được một thoáng lại “tậm tịt”. Lũ trẻ đợi một lúc, thấy điện đóm không thể khắc phục được, quyết định mặc kệ và cứ hát vang mà không cần đàn đệm.
Hóa ra, ở những mái trường bên này, nghệ thuật không phải là một thứ gì đó quá xa vời, sang trọng hay tốn kém. Nghệ thuật trở nên gần gũi bởi vì người ta biết cách tạo ra sự hứng thú cho những đứa trẻ khi chúng tham gia vào đó, và các bậc phụ huynh vừa đóng vai trò là người cổ vũ cho các hoạt động ấy. Giáo dục nghệ thuật không đơn giản, nhưng bằng cách gắn kết các hoạt động trong trường học và ngoài nhà trường, kết hợp với sự tham gia của các bậc cha mẹ, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn.
Trẻ con học và cảm thụ, nhưng một cách gián tiếp, chính cha mẹ các con cũng bị “lôi kéo” vào quá trình học nghệ thuật ấy, bằng cách phải hưởng thụ cùng bọn trẻ và cung cấp các thông tin cần thiết cho lũ trẻ liên quan đến những gì chúng đang học, chẳng hạn đi bảo tàng hoặc triển lãm nghệ thuật cùng với bọn trẻ, khi chúng đang học về một nghệ sĩ, hoặc trường phái nào đó. Và ở đây, tuyệt vời thay, rất nhiều bảo tàng và bản thân Rome đã là một bảo tàng mở, với biết bao di tích được bảo tồn một cách cẩn thận.
Không ngạc nhiên khi bọn trẻ ở đây sau này lớn lên hiểu nhiều về nghệ thuật và có ý thức gìn giữ những giá trị của nghệ thuật đến thế, như một cách để làm giàu tâm hồn, để hiểu về văn hóa và lịch sử nhân loại. Các thế hệ của họ cứ thế lớn lên cùng nhau, khi bọn trẻ được dạy về nghệ thuật và cha mẹ ông bà học cùng với chúng, cũng là học cho họ, vừa bồi bổ thêm kiến thức cho mình, vừa học thêm những gì họ chưa biết.
Nhà trường dạy trẻ con về nghệ thuật, nhưng trên thực tế, chính gia đình mới là nơi nuôi dưỡng những giá trị thực sự của nghệ thuật và mở rộng tình yêu với tri thức thông qua việc cùng học, cùng trao đổi và chia sẻ với con. Và như thế, những giá trị của nghệ thuật và tri thức cứ thế trường tồn...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags