(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Họ đứng đó trong sương lạnh, và gió tuyết, một tay giơ ra làm hiệu, vẫy các xe đi qua. Họ là những người già, thanh niên, cả các gia đình có con nhỏ. Hành lí để dưới chân, khuôn mặt ánh lên sự chờ đợi và rồi nỗi thất vọng mỗi khi có một chiếc xe đến rồi chạy qua không dừng lại.Những chiếc xe đến mang theo bao hy vọng. Có những xe dừng lại, có xe không. Lên được một chiếc xe nào đó mà người lái xe hoặc cảm thấy quá cô đơn hoặc rất tốt bụng đồng ý cho đi nhờ chẳng khác gì một cuộc chơi xổ số.
Tôi gặp rất nhiều những người như thế trên hành trình đi qua nhiều nước Balkan mới rồi. Càng dọc xuống phía Nam của bán đảo Balkan, từ Rumania, qua Bulgaria cho đến Macedonia, những người vẫy xe càng nhiều. Ở những trạm kiểm soát biên giới, sau khi xuất trình giấy tờ để đi qua cửa khẩu bằng đường bộ, họ cũng đứng vẫy tay để xin đi nhờ.
Trên những nghìn cây số chạy dọc ngang vùng đất đẹp đẽ về thiên nhiên và giàu chất lịch sử và văn hóa này, mỗi ngày có hàng biết bao nhiêu người xin đi nhờ như thế.
Và việc ấy tồn tại từ nhiều thập kỉ nay cho thấy đấy không chỉ là một nét văn hóa giao thông ở những vùng đất mà các tuyến giao thông đường dài hoặc tầm trung chưa phát triển, mà còn là một biểu hiện của sự an toàn. "Khi người ta còn vẫy xe xin đi nhờ, nghĩa là còn có người dừng lại", Ana, một người ở Skopje, Macedonia, giải thích cho tôi.
Tự dưng tôi lại nhớ đến những ngày thơ bé nghỉ hè ở quê, về nhà bác ruột chơi. Những hôm nào chuẩn bị lên Hà Nội là phải đi ngủ sớm lắm, để đến tầm gần 5 giờ, trời còn chưa sáng bảnh mắt, trăng vẫn còn lấp ló đâu đó và tiếng gà mới cất lên, mấy bác cháu mắt nhắm mắt mở ra đầu ngõ đợi xe khách.
Cái xe chạy vào tít phía trong xã, nhưng vẫn phải vẫy xe để lên lấy chỗ trước đã, kẻo lát nữa đông không có chỗ, sau đó gà gật trong xe cùng với các hành khách và cả lợn gà, khi chiếc xe đầy mùi xăng và khói chạy cả chục cây số ngược lại, qua đúng cái ngõ lúc nãy tôi đứng, trước khi thẳng tiến lên thành phố.
Bao nhiêu năm như thế đã qua, bao nhiêu chuyến vẫy xe như thế đã thực hiện, tôi chẳng bao giờ quên. Bây giờ, ở mình, cảnh vẫy xe như thế, hệt như ở các nước Balkan kia vẫn tồn tại, ở nhiều nơi, thậm chí ở ngay trên những con đường vành đai của Hà Nội.
Đã có một thời ở châu Âu này, người ta lãng mạn hóa những cuộc xin đi nhờ, khi nó được coi như một phương thức phổ biến để di chuyển, trong hoàn cảnh những dịch vụ xe bus xuyên lục địa chưa tồn tại, các phương tiện giao thông cá nhân chưa phổ biến... tóm lại là việc giao thông trên các con đường chưa thuận tiện như bây giờ. Trên những tuyến đường, lúc đó chưa phải cao tốc, người ta đứng đó, va li để dưới chân, một tay giơ lên vẫy.
Những cô gái trẻ (và đẹp) đương nhiên có một lợi thế lớn lao và có xác suất được đồng ý đi nhờ cao hơn những người khác. Việc đi nhờ đã trở thành một dạng văn hóa sống, khi lôi kéo rất nhiều người thích phiêu lưu, chủ yếu là thanh niên, thực hiện những chuyến đi dài theo cách ấy. Càng trải nghiệm, càng quăng quật, thậm chí với đôi chút rủi ro, với chi phí càng thấp thì chuyến đi càng trở nên thú vị.
Thế rồi điện ảnh phủ lên thứ văn hóa đó những nét li kì, những chuyện tình lãng mạn, khi số phận vô tình sắp đặt cho những người dừng xe và lên xe một cuộc gặp sẽ làm thay đổi đời họ, vì những trái tim lại gần với nhau trong một hành trình dài, và cả những tai nạn đầy chết chóc không thể nào ngờ đến.
Tôi còn nhớ như in những tình tiết trong phim Le Courniaud (1965, Pháp), khi một người đi nhờ chẳng may lên đúng một chiếc xe chở đầy những tên buôn lậu. Trong Im Juli (2000, Đức), một chàng trai nhảy xe từ Hamburg đi xuyên châu Âu tới tận Istanbul, cách đó hơn 3 nghìn cây số, để đi tìm người tình của mình.
Có những câu chuyện đầy xúc động như của Felix trong Drole de Felix (2000, Pháp), khi đi nhờ xe xuống phía Nam nước Pháp để tìm cha, người mà anh chưa từng gặp trong đời. Và rất nhiều những phim hài, với các tình tiết vui nhộn, khi các đạo diễn và biên kịch để cho các nhân vật va chạm suốt dọc đường.
Tôi biết, có những người đi nhờ như một lẽ sống, trong cuộc kiếm tìm những cảm xúc, những rủi ro và cả sự trải đời. Có những nhà báo đã đi như thế và viết. Có những tiểu thuyết được viết từ những va đập trên các con đường. Và những bộ phim tiếp tục được làm ra. Nhưng không phải tất cả đều mang màu hồng.
Cái chết của một cô gái Ý trên đường đi nhờ trên đất Thổ Nhĩ Kì cách đây mấy năm đã khiến nhiều người cảm thấy cần phải xem xét lại một lối sống trước nay được cho là thú vị. Những nguy cơ về an ninh, cuộc khủng hoảng di cư, những mối lo ngại về khủng bố... khiến người ta trở nên thận trọng hơn mỗi khi nhìn thấy ai đó vẫy tay dọc đường.
Lòng tốt, sự trắc ẩn và thói quen giúp đỡ người khác nhường bước trước nỗi sợ hãi và lo lắng. Những phim về đi nhờ, hoặc đơn giản là có tình tiết đi nhờ vẫn ra rạp, nhưng không còn sức hấp dẫn với những thanh niên thích phiêu lưu như trước.
Dù thế, cộng đồng xin đi nhờ xe vẫn phát triển theo cách của riêng họ, với những trang web, diễn đàn để tập hợp và trao đổi kinh nghiệm đi nhờ qua những quốc gia châu Âu, đúng theo kiểu "bụi".
Hình thức car sharing (chia sẻ xe), với các ứng dụng như Bla Bla Car ngày càng phổ biến, cho phép người ta đi lại trên những chặng đường châu Âu với số tiền vừa túi nhất có thể. Nhưng ở nhiều nước Đông Âu, nhất là các vùng nông thôn, chẳng có ứng dụng nào thích hợp bằng việc ra đường vẫy xe, bất kể nắng mưa.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags