Thư châu Âu: Trẻ con học cách biến Sử thành... 'cuộc chơi'

Thứ Hai, 30/11/2015 13:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị, con gái tôi và các bạn cùng lớp trong nhóm của nó đang tranh luận nảy lửa về việc sẽ thể hiện bài tập mà cô giáo giao cho theo hình thức nào.

Bạn thích hội họa thì bảo cả nhóm nên vẽ tranh, với các cảnh liên quan tới chủ đề. Bạn khác bảo phải sáng tạo hơn nữa, cụ thể bạn nào có giọng đọc tốt thì làm dẫn chuyện khi các bức tranh được lật như theo kiểu người ta vẫn làm cho phim hoạt hình.

Bạn nữa đưa ý kiến cách hay nhất là nên làm một vở kịch và mỗi người trong nhóm đóng một nhân vật trong đó. Những vấn đề liên quan đến cách dựng một vở kịch, rồi phục trang chúng có thể nhờ cô chủ nhiệm giúp đỡ. Cô chính là người dạy kịch cho bọn trẻ và lớp kịch mà con gái tôi học của cô cuối năm học vừa rồi đã có một buổi diễn tuyệt vời, ở một nhà hát tại trung tâm Rome.    


Sách dạy lịch sử của trẻ em châu Âu

Đến giờ, bọn trẻ vẫn tranh luận, nhưng có vẻ như tất cả đang nghiêng về khả năng làm một vở kịch. Bạn nào giỏi văn nhất trong nhóm chắc chắn sẽ viết kịch bản, và việc phân vai sẽ là sự thỏa thuận giữa chúng với nhau. Mục tiêu mà chúng muốn đạt được là có điểm cao nhất có thể và cũng qua đó, muốn thể hiện những kỹ năng mà chúng có về nghệ thuật, cũng như những hiểu biết của chúng liên quan đến chủ đề.

Nhưng trên thực tế, chúng đang theo chủ đề gì? Đấy là một bài tập liên quan đến những hiểu biết của học sinh lớp 7 về thời Trung cổ ở châu Âu. Chủ đề ấy nằm trong một chuyên đề đặc biệt ở học kỳ này của lớp con tôi. Mỗi học kỳ - mỗi năm chúng có 3 học kỳ - sẽ có một chuyên đề đặc biệt, tùy theo trọng tâm giáo dục của trường. Nếu học kỳ này về lịch sử, thì học kỳ sau sẽ về nghệ thuật, và học kỳ cuối về văn học chẳng hạn. Chúng vẫn học các môn đó trong suốt năm học, nhưng sẽ học sâu hơn khi có chuyên đề.

Học kỳ này, chuyên đề là lịch sử châu Âu thời Trung cổ, và để chuẩn bị cho chuyên đề ấy, cô giáo chia học sinh trong lớp thành nhiều nhóm, cho bọn trẻ đăng ký các đề tài mà chúng thích liên quan đến một quá trình lịch sử quan trọng này của châu Âu. Lũ trẻ trong nhóm con tôi dự định chọn đề tài về cuộc sống hàng ngày của người dân và quý tộc trong thời kỳ ấy, và để phục vụ cho đề tài ấy, chúng phải đọc, phải tìm kiếm thông tin trong sách báo và Internet về việc ngày ấy người ta ăn uống, nói năng, cư xử như thế nào.

Không thiếu những tư liệu như thế, nhưng cái khó là làm thế nào để thể hiện chủ đề ấy một cách hấp dẫn, thuyết phục, lồng ghép các kiến thức chúng đã học được trên lớp và thu thập được trong quá trình tìm hiểu thông tin cho chủ đề để đưa vào một vở kịch biểu diễn trước lớp. Cô giáo không can thiệp vào quá trình ấy, mà chỉ đưa ra những lời khuyên và tạo cơ hội cho bọn trẻ trao đổi, thảo luận giữa các bạn trong nhóm, hoặc giữa nhóm với cô giáo để từ đó đi đến đích.

Trên thực tế, cách giáo viên kích thích sự tìm tòi thể hiện và khuyến khích cả việc trao đổi với cha mẹ để truyền bá tri thức và thông tin liên quan đến một chủ đề nào đó của môn học không chỉ là cách mà người ta áp dụng lịch sử, mà còn nhiều môn học khác nữa.

Bằng cách ấy, họ buộc bọn trẻ phải suy nghĩ, tìm hiểu thông tin và từ đó biến môn học của mình thành một “cuộc chơi” của sự sáng tạo xoay quanh những vấn đề tưởng như khô khan như môn Lịch sử. Mà trên thực tế, chỉ cần nhìn sách giáo khoa của bọn trẻ cũng đã thấy thích rồi.

Những trang sách rất nhiều hình vẽ và đồ họa, những chú thích và chỉ dẫn chi tiết về các tài liệu khác để bọn trẻ đọc thêm, các câu hỏi liên quan đến bài giảng. Một ông bố như tôi còn thấy thích đọc và đã đọc rồi là không dứt ra được, nói gì đến bọn trẻ học bài từ đó, lại có những cô giáo dạy Sử hay ho như thế.

Từ câu chuyện mà tôi chứng kiến bọn trẻ bên này học Sử, nghĩ đến chuyện ở nhà, học Sử trở thành một gánh nặng cho các học sinh, các giáo viên và là một cơn đau đầu cho Bộ GD-ĐT trong nhiều năm qua mà thấy buồn, rất buồn. Lịch sử là những gì đã xảy ra, là những con người và sự kiện gắn bó với những quá trình của đất nước, của thế giới, và các nền văn minh.

Do đó, môn Sử phải được đối xử một cách đặc biệt, bởi những con người đặc biệt và thích hợp để biến những gì thuộc về quá khứ ấy trở thành một phần của hiện tại, và từ đó làm nền móng cho tương lai.

Tôi không tin là ở nhà, những người làm giáo dục không hiểu được điều ấy. Họ chỉ chưa biết làm cách nào để thoát khỏi những tư duy cũ kỹ, giáo điều và nặng nề về cách truyền đạt kiến thức trong hoàn cảnh những gì liên quan đến Sử, đặc biệt là sử nước Việt, đang gặp phải một thách thức lớn: đấy là việc từ sự phổ cập của Internet và các mạng xã hội, thông tin không còn một chiều như trước.

Và sự thay đổi tư duy trong cách dạy và học Lịch sử trong thời đại xã hội mạng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng vấn đề không chỉ là nhìn sự kiện lịch sử như thế nào, mà còn bằng cách nào để bọn trẻ thích học hoặc quan tâm đến môn Sử.

Ở bên này, họ làm được điều ấy, và những gì tôi viết trong bài này là một ví dụ giản dị của việc họ có thể khiến lũ trẻ phải động não như thế nào cho môn Sử. Ta cũng có thể động não như chúng được không?

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›